Ngày 5/1, MobiFone tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023. Năm 2022, doanh nghiệp đã tập trung phát triển 3 trụ cột chủ lực là hạ tầng số, nền tảng số và dịch vụ nội dung số. MobiFone chú trọng vào mảng kinh doanh data để bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu các dịch vụ viễn thông di động nên thúc đẩy doanh thu data năm 2022 tăng trưởng gần 27%.
Từ tháng 4/2022, MobiFone ra mắt hệ sinh thái tài chính số với dịch vụ ví điện tử MobiFone Pay và tiền điện tử Mobile Money cung cấp cho người dùng đầy đủ tính năng cơ bản của một dịch vụ tài chính. Hết năm 2022, MobiFone phát triển được 600 nghìn khách hàng đăng ký sử dụng các dịch vụ với doanh thu bán hàng trên 550 tỷ đồng.
Trong năm 2022, MobiFone đã đẩy mạnh định hướng “Make in MobiFone” và sản xuất công nghiệp, mang lại doanh thu tăng trưởng trên 60% so với năm 2021. Ngoài ra, MobiFone đã cung cấp trải nghiệm dịch vụ 5G thương mại cho khách hàng tại TPHCM, Hà Nội, Huế, Nha Trang, Phú Quốc với tốc độ cao trên 1.7Gbps.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch MobiFone cho biết năm 2022 là năm nhiều thách thức. Dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại, SMS giảm mạnh. Sau dịch Covid 19, khách hàng chuyển sang dùng nhiều trên nền tảng OTT khiến doanh thu các nhà mạng sụt giảm. Chủ tịch MobiFone dự báo năm 2023 sẽ là năm đầy khó khăn, dịch vụ OTT tiếp tục gây áp lực lên nhà mạng làm giảm doanh thu. Tuy nhiên, MobiFone sẽ thực hiện kế hoạch mới và triển khai các sáng kiến nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển mở ra không gian mới, tránh phụ thuộc vào viễn thông truyền thống.
Trong khi đó, ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone nhấn mạnh nhiệm vụ sống còn của MobiFone phải mở rộng không gian mới khi các dịch vụ truyền thống sụt giảm. Tổng giám đốc MobiFone lần đầu tiên đề cập việc đầu tư trung tâm dữ liệu (IDC), xây dựng hạ tầng số. MobiFone sẽ xây trung tâm dữ liệu tại Hòa Lạc. Ông Tô Mạnh Cường nhắc đến từ khóa cho MobiFone là “đổi mới”, loại bỏ sức ỳ của bộ máy, đồng thời cần đánh giá nhân sự và tái cơ cấu bộ máy để phù hợp với xu hướng mới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đánh giá MobiFone có một năm nỗ lực. Dư địa phát triển viễn thông truyền thống đã bão hòa khi toàn thị trường tăng trưởng chỉ có 1,6%. Giữa bối cảnh đó, Thứ trưởng chỉ ra rằng: MobiFone là doanh nghiệp hạ tầng - đây là giá trị cốt lõi, nếu quên đi làm hạ tầng sẽ mất cái gốc của mình. Về mặt kinh doanh, MobiFone phải đi “hai chân”, trong đó một chân bám vào dịch vụ cốt lõi là mảng di động và “thâm canh”, gia tăng trên tập khách hàng của mình, còn “một chân” mở sang dư địa mới. MobiFone cần đầu tư mạnh cho IDC và Cloud vì đây là nền tảng hạ tầng số tương lai. Song muốn có Cloud, phải có con người. Hiện 80% thị trường Cloud nằm trong tay nước ngoài, nhưng doanh nghiệp phải dùng Cloud trong nước, nếu MobiFone chậm đầu tư sẽ mất thị phần.
Thứ trưởng Phạm Đức Long đưa ra gợi ý nếu MobiFone tiến vào thị trường mới theo kiểu “may đo” thì không thể đủ sức phục vụ đông đảo khách hàng mà phải chuyển sang nền tảng và nhân rộng nhanh mô hình cho nhiều người dùng.
Tại hội nghị, Thứ trưởng cũng đề nghị các nhà mạng không đưa SIM rác ra thị trường bởi vấn nạn này gây ra hệ lụy cho xã hội. Bộ TT&TT sẽ cùng với các nhà mạng kiên quyết chuẩn hóa lại thông tin thuê bao, đặc biệt trên môi trường số ; nếu là thuê bao không chính chủ thì không thể tham gia.
“Năm nay, Bộ TT&TT sẽ đấu giá 5G và nghiên cứu để làm sao đấu giá không là gánh nặng của doanh nghiệp. Khi các nhà mạng triển khai 5G cần số trạm rất lớn gấp 3 đến 4 lần số trạm 4G, trong khi số lượng khách hàng có máy hỗ trợ 5G chưa nhiều. Vì vậy, các nhà mạng chia nhau đầu tư hạ tầng rồi dùng chung để giảm chi phí và nhanh chóng có mạng 5G phủ rộng”, ông Phạm Đức Long nói.
Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Phạm Đức Long, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống giảm mạnh hơn dự báo. MobiFone cần đầu tư vào IDC và Cloud, nếu không sẽ mất năng lực cạnh tranh.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh, trong quá trình phát triển của MobiFone con người là yếu tố quyết định. Vì vậy, MobiFone phải tái cơ cấu, đặc biệt tái cơ cấu về tổ chức và kiên quyết loại bỏ người không có năng lực, đề bạt cán bộ có năng lực giúp doanh nghiệp phát triển.
Lãnh đạo MobiFone cho biết, dự kiến đến năm 2025, doanh nghiệp sẽ đầu tư hạ tầng số trong nhóm dẫn đầu, làm chủ công nghệ lõi, cải thiện việc phát triển khách hàng mới, giữ chân khách hàng hiện hữu và tạo nhiều nguồn thu, tăng trưởng mạnh mẽ doanh thu dịch vụ số.