Theo Ban Quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (Ban Quản lý Chương trình), tính đến hết ngày 20/7/2017, tại 12 tỉnh các nhà thầu đã triển khai lắp đặt 94% số lượng đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo theo Dự án. Tổng số đầu thu trong hợp đồng là 414.000 hộ, nhưng thực tế triển khai chỉ lắp đặt được được 389.176 hộ. Còn lại 24.824 hộ không triển khai hỗ trợ được vì các lý do như: Gia đình đi vắng, gia đình đã thoát nghèo, đã có đầu thu, hoặc từ chối nhận đầu thu, danh sách do tỉnh cung cấp bị trùng. Đến nay về cơ bản việc triển khai lắp đặt đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều tại 12 tỉnh Thái Nguyên, Ninh Bình, Phú Thọ, Nam Định, Tiền Giang, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang đã cơ bản hoàn thành.
Đối với lô thầu tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Ban quản lý Chương trình đã ký hợp đồng với nhà thầu MobiFone, hiện tại nhà thầu trúng thầu đang thực hiện các thủ tục tại địa phương và bắt đầu triển khai hỗ trợ lắp đặt đầu thu truyền hình số. Theo hợp đồng ký kết, nhà thầu phải hoàn thành hỗ trợ trước ngày 15/8/2017 và phải báo cáo kết quả hoàn thành về Bộ TT&TT. Số lượng đầu thu hỗ trợ tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình theo Hợp đồng là 95.095 bộ thu.
Như vậy, trong đợt tắt sóng truyền hình analog tại 15 tỉnh thành phố vào ngày 15/8/2017 tới đây, Bộ TT&TT sẽ triển khai hỗ trợ đầu thu cho khoảng 484.000 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Trong Hội nghị sơ kết công tác Thông tin và Truyền thông 6 tháng đầu năm 2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo việc hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo phải được thực hiện đúng đối tượng, hoàn thành trước ngày tắt sóng truyền hình analog, không được để người nghèo không có đầu thu để thu xem truyền hình, không được để người nghèo bị thiệt thòi khi nhà nước tắt sóng truyền hình analog.
Việc triển khai lắp đặt, hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo là một trong hai nhiệm vụ quan trọng khi triển khai số hóa truyền hình. Theo đó, các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng và các đài truyền hình phải khẩn trương phát sóng kênh truyền hình thiết yếu lên hạ tầng số mặt đất DVB-T2. Còn các đơn vị của Bộ TT&TT, các nhà thầu và chính quyền địa phương phải hoàn thành hỗ trợ đầu thu trước ngày tắt sóng theo kế hoạch.
Trên thực tế việc triển khai lắp đặt đầu thu cho hộ nghèo đã gặp khó khăn khi triển khai tại một số địa phương, chủ yếu vì một số lý do khách quan như: chủ nhà đi vắng, đi khỏi nơi cư trú, danh sách do UBND tỉnh cung cấp bị trùng lắp, chủ nhà từ chối nhận hoặc đã thoát nghèo.