Để có được ghi nhận này, MobiFone đã đáp ứng phần thẩm định với Bộ tiêu chí đánh giá theo 5 nhóm với 16 tiêu chí và 40 chỉ số. Các nhóm tiêu chí đánh giá bao gồm: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; Thượng tôn pháp luật; Đạo đức kinh doanh và Trách nhiệm xã hội. Đây đều là những tiền đề quan trọng trong việc đánh giá mức độ thực thi văn hóa nội bộ, văn hóa kinh doanh tại các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc MobiFone, đây là vinh dự lớn mà MobiFone có được sau thời gian dài nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh nhằm hiện thực hóa sứ mệnh không ngừng sáng tạo, đổi mới, kiến tạo hệ sinh thái số hoàn chỉnh, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người Việt và góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số. Đây sẽ là tiền đề, là động lực để MobiFone tiếp tục vững tin trên con đường đã chọn - lấy văn hóa làm nền tảng quan trọng cho sự phát triển.
Ông Nam cũng nhấn mạnh, là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Viễn thông - Công nghệ thông tin, MobiFone đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ, thích ứng nhanh với thời đại số dựa trên sức mạnh nội tại là văn hóa của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp sẽ là kim chỉ nam, là “sức mạnh mềm” giúp MobiFone tiến nhanh hơn trên hành trình chuyển đổi số, từng bước chuyển mình thành một doanh nghiệp công nghệ số, đóng góp vào công cuộc Chuyển đổi số Quốc gia.
Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với Doanh nghiệp” là hoạt động thường niên do Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động "Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam"; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Sau thành công của năm 2021 và 2022, sự kiện năm nay được tổ chức tại TP.HCM với chủ đề “Văn hóa kinh doanh - Dòng chảy Phát triển và Hội nhập”. Diễn đàn sẽ góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng là dịp để lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế; tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam; lan tỏa sâu rộng cuộc vận động "Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Ngọc Minh