Như ICTnews đã đưa tin, theo thống kê mới đây của PIKOM, kỹ sư CNTT Việt Nam có mức lương cao hàng đầuASEAN. Đặc biệt, trong năm 2013, Đà Nẵng của Việt Nam là nơi trả lương CNTT cao nhất, vượt qua cả Seattle, New York, Dallas, Thượng Hải, Hồng Kông. So với mốc khoảng 47 triệu đồng/năm của chuyên gia CNTT Malaysia, kỹ sư CNTT Việt Nam có thu nhập cao gấp 2,19 lần, tức là khoảng 102,93 triệu đồng/năm (8,57 triệu đồng/tháng).
Trao đổi với ICTnews, ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần NetNam phân tích: "Nếu đúng là lương cả năm của kỹ sư CNTT ở Malaysia chỉ khoảng 47 triệu đồng thì thu nhập quá "hẻo". Ở Việt Nam, với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng như vậy thì sống khá vất vả ở các thành phố lớn. Nếu so sánh GDP sức mua (PPP)/đầu người, thì năm 2013, Malaysia là khoảng 17.748 USD, còn Việt Nam chỉ 4.012 USD, thấp hơn Malaysia hơn 4 lần. Với mức thu nhập 47 triệu đồng/năm, chuyên gia CNTT Malaysia khó có thể sống nổi".
Cũng theo ông Vũ Thế Bình, "thực tế, mức thu nhập chuyên gia CNTT cấp trung/cao ở một số tập đoàn lớn Việt Nam hiện nay đạt khoảng 20 triệu đồng/tháng (hơn 900 USD). Chuyên gia CNTT ở các công ty vừa và nhỏ hơn sẽ ở mức từ 7 – 16 triệu đồng/tháng. Nhìn chung các kỹ sư trình độ cao ở Việt Nam có mức thu nhập thuộc loại cao so với các ngành nghề khác, và có thể nói là "sống được". Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng nhiều doanh nghiệp vẫn đang đau đầu vì không tuyển được nguồn nhân lực chất lượng phù hợp, tức là người thì nhiều, nhưng người làm được việc thì ít. Đó cũng có thể là một trong những lý do thống kê thu nhập của chuyên gia CNTT Việt Nam được cho là thuộc loại cao".
Liên quan đến vấn đề vậy mức lương thực tế của kỹ sư CNTT tại Việt Nam hiện nay đang là bao nhiêu, đại diện Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết: "Với sinh viên CNTT mới ra trường ở Việt Nam, mức lương thông thường là 4 – 5 triệu đồng/tháng, những sinh viên xuất sắc thì được khoảng 6 triệu đồng/tháng. Những người đã làm việc khoảng 2 – 3 năm thì mức lương khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng. Ở vị trí giám đốc dự án, tùy quy mô của từng dự án và công ty mà mức thu nhập cũng khác nhau, xê dịch từ 13 – 16 triệu đồng/tháng. Những lập trình viên gắn bó với công ty từ 5 năm trở lên có thể thu nhập hơn 1.000 USD/tháng. Nếu có thêm những kỹ năng khác như ngoại ngữ, kỹ năng mềm, quản lý dự án... thì thu nhập sẽ cao hơn nữa".
Những năm gần đây, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các công ty CNTT "ngoại" tại Việt Nam, mức lương dành cho nhân lực CNTT trình độ cao tại Việt Nam đang có dấu hiệu liên tục được "đẩy lên" bởi doanh nghiệp "ngoại" muốn "hớt tay trên" nhân sự làm được việc của các doanh nghiệp trong nước. Ông Tạ Sơn Tùng, Giám đốc Điều hành Công ty Rikkei Soft tại Việt Nam từng chia sẻ với ICTnews: "Các công ty gia công xuất khẩu phần mềm Nhật Bản sẵn sàng trả lương cao gấp 2 - 3 lần so với doanh nghiệp Việt để tuyển được người. Tại Việt Nam, sinh viên ra trường có bằng tiếng Nhật và bằng CNTT trung bình chỉ nhận mức lương khoảng 600 USD, nhưng mức lương mà doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất có thể lên đến 1.500 - 2.000 USD".
Quay lại với thống kê của PIKOM so sánh dựa trên PPP (GDP sức mua), dựa trên chi phí sinh hoạt và lạm phát của từng quốc gia, có thể suy luận là cuộc sống của các chuyên gia CNTT Việt Nam thoải mái hơn đồng nghiệp ở Kuala Lumpur, khi so sánh dựa trên chi phí sinh hoạt. Nhưng việc so sánh đó cũng chỉ có ý nghĩa tương đối.
"Rất khó đánh giá là thống kê của PIKOM có chính xác hay chưa vì không biết PIKOM lấy số liệu ở Việt Nam từ nguồn nào. Ngay cả trong nước, số liệu cũng không nhất quán và không hẳn là đủ tin cậy. Tuy vậy, thông tin này cũng mang đến cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam một số suy nghĩ. Trước hết là mừng cho các chuyên gia CNTT Việt Nam nhận được mức thu nhập cao. Tuy nhiên, khi chi phí nhân lực CNTT ở Việt Nam thuộc loại cao, sức cạnh tranh tương đối của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do chi phí nhân lực sẽ cao tương đối so với các nước khác trong bảng so sánh", ông Vũ Thế Bình chia sẻ thêm.