Các chính trị gia Mỹ vẫn đang tiếp tục gây áp lực đòi Tổng thống J.Biden thông qua sắc lệnh cấm các công ty và cá nhân của Mỹ hợp tác với Trung Quốc về công nghệ nguồn mở RISC-V.

Một số nhà làm luật, gồm cả Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner, đang thúc giục chính quyền phải hành động với lý do an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, nếu quyết định mở rộng phạm vi các biện pháp trừng phạt Trung Quốc sang lĩnh vực RISC-V, rủi ro sẽ thuộc về phía Mỹ.

c3sgl2dt3l6cmxgsx1xefp0h9hs3nexw.jpg
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc có nguy cơ lan rộng sang lĩnh vực phát triển mã nguồn mở RISC-V

RISC-V là công nghệ mã nguồn mở và miễn phí, cạnh tranh với các công nghệ độc quyền đắt đỏ từ những gã khổng lồ như Arm và Intel.

Hơn 10 tỷ chip RISC-V, được sử dụng trong điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng, đã được bán kể từ năm 2010 và góp mặt trong khoảng 96% phần mềm thương mại. RISC-V đang được hứa hẹn sẽ mang tới thay đổi lớn về bối cảnh của ngành điện toán toàn cầu.

Tổ chức phi lợi nhuận RISC-V International có trụ sở tại Thụy Sĩ chịu trách nhiệm giám sát, điều phối các hoạt động hợp tác giữa hơn 4.000 công ty, trong đó có cả Google, Huawei và Tencent.

Các công ty, tổ chức tham gia hệ sinh thái RISC-V cùng nhau hợp tác, nghiên cứu để xác định các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật cho kiến ​​trúc.

Trung Quốc đã đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc phát triển hệ sinh thái RISC-V để sớm giành lấy những lợi thế đáng kể cho mình. Hơn 300 công ty Trung Quốc đang phát triển sản phẩm dựa trên công nghệ này và Trung Quốc chiếm hơn một nửa nguồn cung chip của thế giới.

Xét về số lượng công ty khởi nghiệp và chuyên gia tham gia vào lĩnh vực này, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ và có cơ hội bứt phá trong 10 năm tới.

Nếu Mỹ áp đặt hạn chế đối với các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển hệ sinh thái RISC-V ở Mỹ, Trung Quốc sẽ giành được quyền kiểm soát lĩnh vực này.

Các công ty Trung Quốc có thể dẫn đầu thị trường toàn cầu trong tương lai, ngay cả trong các ngành chiến lược như điện tử tiêu dùng, ô tô và hàng không vũ trụ.

Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa tìm được bằng chứng thuyết phục rằng RISC-V thực sự gây ra mối đe dọa nhãn tiền đối với an ninh quốc gia, vì sự phát triển RISC-V chủ yếu liên quan đến các công ty tiêu dùng.

Ngay cả khi có những lo ngại chính đáng về tính bảo mật của RISC-V, các tập đoàn sản xuất lớn đều đang cố gắng hết sức để loại bỏ nguy cơ gián điệp và truy cập trái phép vào hệ thống của mình.

Ngoài ra, Intel, Google và Siemens sẽ phản đối mạnh mẽ việc Mỹ rút khỏi RISC-V, vì đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào việc phát triển công nghệ đầy hứa hẹn này. Dự kiến, đến năm 2030, mã nguồn mở RISC-V có thể chiếm 25% giá trị thị trường bộ vi xử lý toàn cầu.

Chính vì vậy, việc Mỹ quyết định mở rộng phạm vi trừng phạt Trung Quốc bằng cách áp dụng các biện pháp hạn chế trong lĩnh vực RISC-V không những không giúp kiềm chế Trung Quốc và củng cố an ninh quốc gia, mà ngược lại sẽ chỉ làm suy yếu vị thế của Mỹ và củng cố sức mạnh của Trung Quốc với vai trò như đối thủ chiến lược chính của mình.

(Theo Securitylab)