Thị trường vốn đã tài trợ cho nhiều cuộc chiến trong các thế kỷ qua. Và giờ đây, quân đội Trung Quốc (PLA) đang chuyển sang thị trường chứng khoán để thúc đẩy các kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của mình.
Ảnh: Getty Images |
Chi tiêu quân sự của Bắc Kinh với mức 166 tỉ USD năm ngoái, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng sức mạnh hải quân trong bối cảnh có nhiều tranh chấp biển đảo với láng giềng tại Biển Đông và Hoa Đông. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, các nhà thầu quốc phòng lớn nhất của nước này vẫn thuộc về sở hữu nhà nước.
Vì thế, Trung Quốc giờ đây muốn mở cửa công nghiệp quốc phòng, khiến nó gần gũi hơn với lĩnh vực tư nhân và đưa ra thị trường công khai để thúc đẩy tăng trưởng.
Khởi động cái gọi là sử dụng thị trường vốn để tăng đầu tư công nghiệp quốc phòng, công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (do nhà nước kiểm soát) - nhà đóng tàu lớn nhất nước - tuyên bố, họ sẽ tăng vốn 1,4 tỉ USD thông qua chào bán cổ phiếu để mua các trang thiết bị sản xuất đóng tàu chiến.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã hoan nghênh triển vọng có thể đầu tư vào ngành công nghiệp quân sự. Cổ phiếu của công ty đóng tàu nói trên niêm yết tại Thượng Hải đã tăng kịch trần 10%. Cổ phiếu của một số công ty khác như tập đoàn Công nghiệp nặng Zhenhua Thượng Hải - nhà sản xuất thép lớn tại Trung Quốc - cũng tăng mạnh.
Bản thân công ty Công nghiệp đóng tàu cũng đã nhanh chóng đưa ra hấp lực của các tài sản quân sự cho nhà đầu tư. "Nó sẽ mở rộng phạm vi tài sản đầu tư trong thị trường vốn, cho phép nhà đầu tư hưởng lợi nhuận từ các sản phẩm quân sự cao cấp", tuyên bố của công ty nhấn mạnh.
Trung Quốc đã đẩy mạnh tốc độ chi tiêu quốc phòng kể từ những năm 1980 với ngân sách công bố chính thức luôn tăng ở mức hai con số mỗi năm trong suốt hai thập niên qua. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, ngân sách quân sự của Trung Quốc đứng sau Mỹ, nhưng ở khoảng cách khá xa khi chưa bằng 1/4 chi tiêu 682 tỉ USD của Mỹ năm 2012.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đề cao tầm quan trọng của chiến lược xây dựng lực lượng hải quân biển xanh - lực lượng có khả năng hoạt động ở các vùng biển xa. Khi tranh chấp lãnh thổ ngày một gay gắt ở Hoa Đông với Nhật, và Biển Đông với một số quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các tàu hải quân thường xuyên tuần tra để khẳng định cái mà họ gọi là vùng biển chủ quyền.
Năm 2011, Trung Quốc đã hạ thủy con tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh cho dù nó được nâng cấp từ tàu cũ mua ở Ukraine. Các nhà phân tích cho rằng, vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi nước này ra mắt tàu sân bay nội địa.
Theo tạp chí Chứng khoán Trung Quốc, sự xâm nhập thị trường chứng khoán của các công ty công nghiệp quân sự nước này thời gian qua là rất thấp. Trong khi khoảng 80% tài sản của 100 công ty quân sự hàng đầu thế giới được niêm yết công khai, thì chỉ có 30% tài sản của 10 công ty quân sự hàng đầu Trung Quốc được niêm yết.
Thái An (theo CNN)