Những vùng chè cổ thụ đã trở thành những khu du lịch sinh thái đem lại nguồn thu ổn định cho người dân vùng cao Lai Châu, Sơn La, Hà Giang… và mở ra hướng mới để xóa đói giảm nghèo.

‘Kho báu’ chè cổ thụ trên vùng cao

Trên những vùng núi cao Lai Châu, Sơn La, Hà Giang,… những cây chè cao quá đầu người gốc xù xì, mốc trắng, to đến vài người ôm cứ gắn bó với người Mông bao đời nay. Không ai nhớ nổi cây chè có từ bao giờ.

Thế nhưng trong một thời gian dài, người Mông không hiểu hết những giá trị của gốc chè cổ thụ. Họ chỉ đem về chế biến một cách đơn giản và dùng trong gia đình mà không biến chè thành thương phẩm. Thậm chí có người còn đem chặt bỏ cây chè làm nương rẫy vì đời sống quá khó khăn.

 

Thế nhưng giờ đây, những gốc chè cổ thụ đã trở thành ‘kho báu’ đem lại nguồn thu nhập lâu dài và là chiếc chìa khóa mở ra con đường no ấm, tiến tới làm giàu cho bà con.

Theo cán bộ khuyến nông huyện Sìn Hồ, Lai Châu: Từ ngày phát hiện vùng chè cổ, du khách đổ xô về đây thăm thú, thưởng trà và tìm hiểu văn hóa của người dân địa phương. Nhờ đó, cùng với việc bán chè, người dân đã có nguồn thu nhập đáng kể từ phục vụ du khách.

Những cây chè cổ thụ ở Tà Xùa (Sơn La) và chè Shan Tuyết (Hà Giang) cũng theo các cung đường về xuôi và tìm được đường ra thế giới, góp phần thay da đổi thịt cho vùng đất mà cây chè cắm rễ.

Loại cây chiến lược xóa đói giảm nghèo

Nhận ra giá trị kinh tế của cây chè, nhiều địa phương Tây Bắc đã đưa chè trở thành cây trồng chủ lực và coi đây là loại cây chiến lược xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

Tại xã Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, Lai Châu, chỉ trong vòng 2 năm kể từ ngày chính quyền ban hành nghị quyết phát triển vùng chè tập trung, vùng đồi trọc toàn cây leo, cỏ dại xã đã phủ kín cây chè.

Toàn xã có 170 hộ gia đình đăng ký trồng, nhà ít trên 1 héc ta, nhà nhiều đến gần chục ha. Lâu nay bà con chỉ quen với việc chăm sóc cây ngô, cây lúa, thì giờ đây cùng với sự hỗ trợ của cán bộ trung tâm khuyến nông huyện, bà con dần làm quen và biết chăm sóc cây chè.

Theo ông Đặng Kiên, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Sìn Hồ: "Trạm đã phối hợp với xã triển khai trồng giống chè Shan, vì nó phù hợp với vùng cao. Đối với xã Xà Dề Phìn, cây chè sinh trưởng và phát triển rất tốt.Thuận lợi là cây chè rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương".

Xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cũng chú trọng thâm canh cây chè, kết hợp với trồng một số loại cây ăn quả khác, để giúp đời sống bà con ngày càng ổn định và phát triển.

Xã Phổng Lái hiện đã có hơn 300 ha chè. Trong đó, hơn 250 ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha. Nhờ đầu tư thâm canh cây chè, nên nhiều hộ gia đình đã có của ăn của để, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm dưới mức 20%, ngày càng có nhiều hộ khá và giàu. Đặc biệt, nhờ phát triển sản xuất cho hiệu quả cao, đời sống ổn định, nên từ nhiều năm nay, đã chấm dứt hiện tượng du canh du cư.

Nói về định hướng phát triển cây chè trong thời gian tới, ông Sùng A Mang, Phó chủ tịch UBND xã Phổng Lái cho biết, thông qua công tác tuyên truyền, bà con đã hiểu và xác định cây chè là cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây ngô và cây sắn. Trong những năm tới, xã có phương hướng tiếp tục phát triển cây chè tại một số bản hiện nay vẫn còn diện tích đất trống.

Những cây chè cổ thụ Tà Sùa cũng đem lại đời sống no ấm cho người dân huyện Bắc Yên, Sơn La. Phát triển cây chè từ những năm 60 của thế kỉ trước, hiện huyện Bắc Yên có hơn 100 ha chè, tập trung chủ yếu tại xã Tà Xùa, trong đó gần 90 ha đang cho thu hoạch.

Xác định chè là một trong những cây trồng kinh tế chủ lực, huyện Bắc Yên đã đầu tư về phân bón, cây giống và tạo điều kiện cho bà con nông dân được học hỏi thêm nhiều kiến thức canh tác, chăm sóc cho cây chè.

Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết, chính quyền xã đã đề nghị và được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể đối với chè Tà Xùa. Xã đang phát huy thương hiệu chè để quảng bá sản phẩm đến với thị trường trong và ngoài tỉnh để phát huy giá trị.

“Song song với việc phát huy thương hiệu, xã cũng quan tâm đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản, đảm bảo sản phẩm chè đúng chất lượng và thương hiệu. Xã đã mời được doanh nghiệp hợp tác thành công, đây là một trong những hướng đi mới nhằm phát huy lợi thế, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Bắc Yên trong thời gian tới”, ông Kỳ khẳng định.

D.Minh - Phạm Việt