Như ICTnews đã thông tin, tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP.Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.

Một trong những nội dung được điều chỉnh của Chương trình mục tiêu này là bổ sung thêm một số nhiệm vụ, trong đó có việc xây dựng Thành phố thông minh: hình thành Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của Thành phố và một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh (giao thông, y tế, du lịch, giáo dục, năng lượng, môi trường thông minh...).

Thông tin từ Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội cho hay, tại phiên họp ngày 5/12 thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP.Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội đã cho biết, Hà Nội có lộ trình cụ thể trong việc xây dựng Thành phố thông minh, với 3 giai đoạn: xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng cơ bản của Thành phố thông minh; tiếp tục hìnhthành những nền tảng thông minh khác, thu hút người dân tham gia và quản lý xã hội và hình thành nền kinh tế số; phát triển Thành phố thông minh ở mức độ cao.

Trong nội dung thuyết minh về những điều chỉnh, bổ sung trong Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP.Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, Sở TT&TT Hà Nội - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Thành phố cho biết, với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, lấy người dân làm trung tâm, Hà Nội xác định đến năm 2020 sẽ hình thành Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của Thành phố và một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, theo Sở TT&TT Hà Nội, một nội dung quan trọng là xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của Thành phố.

Đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thành phố Hà Nội thông minh, Trung tâm giám sát, điều hành tập trung này sẽ được hình thành với 6 chức năng chính gồm: giám sát, điều hành giao thông và an ninh công cộng; điều hành thông tin ứng cứu khẩn cấp; giám sát, đảm bảo an toàn thông tin và hỗ trợ kỹ thuật; tổng hợp, phân tích dữ liệu; thông tin hỗ trợ công dân và dịch vụ công ích; thông tin báo chí và truyền thông.

Cùng với đó, một nội dung quan trọng khác là xây dựng hệ thống giao thông thông minh của Thành phố. Hệ thống dự kiến được xây dựng với 8 chức năng chính, trong đó có: hệ thống thông tin giao thông tích hợp, xây dựng bản đồ giao thông Hà Nội, cung cấp thông tin về tình trạng giao thông và vận tải hành khách công cộng theo thời gian thực phục vụ công tác quản lý, điều hành, điều tiết giao thông của các cơ quan quản lý nhà nước, cho người dân và du khách; hệ thống quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, thực hiện quản lý phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe buýt, taxi, xe hợp đồng Uber, Grab…;

Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông phục vụ quản lý, sử dụng, bảo trì và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; hệ thống điều khiển giao thông thông minh bằng đèn tín hiệu, điều khiển thích ứng theo tình trạng giao thông, điều khiển ưu tiên cho các phương tiện vận tải công cộng, phương tiện cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh; hệ thống an ninh thông minh: giám sát, ghi nhận hình ảnh tội phạm đường phố, tội phạm nơi công cộng, các hoạt động liên quan đến biểu tình và tập trung dông người; điều hành phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn;

Hệ thống giao thông thông minh của Hà Nội cũng có các chức năng: hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường theo hình thức tự động không dừng (ETC); hệ thống phần mềm chỉ huy - điều hành giao thông thông minh, đảm bảo thu thập được dữ liệu từ nhiều nguồn, tổng hợp và chuẩn hóa dữ liệu để tạo ra thông tin nhất quán, phân tích thông tin nhằm xác định các xu thế để hỗ trợ hành động, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng dịch vụ… theo yêu cầu riêng biệt của thành phố.

Bên cạnh hệ thống giao thông thông minh, hệ thống du lịch thông minh sẽ được xây dựng với 7 chức năng chính, bao gồm: hình thành kho tích hợp dữ liệu tập trung cho ngành Du lịch; bản đồ số du lịch; cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch trên di động; hệ thống phân tích dữ liệu lớn (Big Data) cho dự báo du lịch thông minh; hệ thống Wi-Fi công cộng; hệ thống Booth tra cứu thông tin du lịch và hỗ trợ khẩn cấp; thiết bị đầu cuối tại khách sạn 5 sao.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội cũng sẽ tiếp tục hình thành các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực khác như: y tế, giáo dục, năng lượng, môi trường…