Đối với thị trường video-game mà nói, sự đổi mới về công nghệ điện toán đám mây đã biến hình thức kinh doanh bán lẻ độc quyền trở nên lạc hậu, thay vào đó là hình thức kinh doanh trực tuyến. Mọi thứ giờ đều có sẵn trên các cửa hàng tiện ích, bạn chỉ việc đơn giản là click chuột và trò chơi sẽ tự động cập nhật vào chiếc máy của bạn. 

Game streaming chính là bước phát triển tiếp theo của hình thức kinh doanh trực tuyến này. Về cơ bản, khi sử dụng hệ thống này, người dùng chỉ cần sử dụng tài khoản của mình trên hệ thống để chơi game mà không cần quan tâm tới việc mua đĩa game nữa. Trong tương lai, hệ thống này cho phép game thủ chơi game trên mọi nền tảng như thể bạn đang xem một đoạn video trên youtube nhưng có thể tương tác được. Đây là dự án được game thủ rất kỳ vọng song liệu nó có thực sự đáp ứng được điều đó?

Mức giá thế nào là hợp lý?

Công việc định giá các sản phẩm có mặt trên thị trường thường rất phức tạp đối với các nhà phát triển, phát hành game hiện nay nói chung và mô hình chơi game streaming này cũng không ngoại lệ. Lấy ví dụ như hai dịch vụ game streaming hiện nay là PlayStation Now của hãng SonyOnLive, đây là hai dịch vụ khá chú trọng vào việc định giá các sản phẩm, khác hẳn với hệ thống kênh truyền hình internet Netflix. Khi sử dụng Netflix, người dùng chỉ phải chi trả 7,99 USD cho mỗi tháng sử dụng và có thể thoải mái theo dõi phim ảnh, các kênh truyền hình trực tuyến mà không lo chi phí phát sinh (giống như cước thuê bao internet nước ta). Nhưng PlayStation Now thì lại có một bảng giá khá hài hước khi bạn có thể thuê server chơi từ 4 giờ đến 90 ngày, hoặc mua đứt với cái giá còn đắt hơn cả mua đĩa (giá bán thông thường 1 số game bom tấn là 59.99 USD, trong khi giá thuê 3 tháng của PlayStation Now là 30 USD).

Mức giá mà PlayStation Now đưa ra.

Một lĩnh vực cạnh tranh giữa các ông lớn?

Để có thể xây dựng một mạng lưới điện toán đám mây khổng lồ có thể nói là thử thách rất khó khăn và tốn kém tiền bạc, nhiều công ty game nhỏ dù muốn xâm chiếm thị trường tiềm năng này song cũng là điều không dễ. James Taylor, giám đốc dịch vụ truyền thông của Akamai Technologies cho hay:

"Mặc dù đây là một thị trường mới và đầy hấp dẫn nhưng nếu không nhanh chóng quảng bá, thu hút công chúng và đạt được lượng người tiêu dùng nhất định thì sẽ dẫn đến những thiệt hại lớn về mặt tài chính."

Nói vậy để thấy rằng các công ty lớn có tiềm lực cạnh tranh mạnh hoàn toàn chiếm lợi thế trong cuộc đua này. Và Sony, chắc chắn là một công ty lớn, hơn nữa lượng khách hàng tiêu dùng của họ hiện nay trên thị trường cũng rất đông đảo cho nên PlayStation Now có nhiều cơ sở để tồn tại lâu dài.

"Netflix đã rất khôn ngoan khi bổ sung dịch vụ streaming vào mô hình kinh doanh hiện tại của họ và gặt hái được thành công. Còn với Sony, tôi nghĩ rằng PlayStation Now hiện giờ đang có những bước khởi đầu rất thuận lợi, họ hoàn toàn có khả năng cạnh tranh lâu dài với các hãng khác, như OnLive chẳng hạn", Taylor chia sẻ.

Nhìn chung, sự thuận tiện, tiềm năng kinh tế mà công nghệ hiện đại này đem lại là động lực thúc đẩy các công ty đứng đầu trong ngành công nghệ đầu tư khai thác để phục vụ cho những lợi ích sau này. Sony cũng vậy, họ đã có khởi đầu khá suôn sẻ tuy nhiên dịch vụ game streaming của họ lại gây nên nhiều tranh cãi, đặc biệt là về các khoản chi trả. Dù sao đây cũng chỉ là giai đoạn beta của PlayStation Now. Hi vọng rằng trong tương lai họ sẽ có một bảng giá thích hợp hơn.

T.B