Tại xã Mường Luân của huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), năm 2024, các mô hình sinh kế hỗ trợ giảm nghèo đang phát huy hiệu quả bền vững, đời sống người dân ngày một nâng cao. Đây được coi là một trong những vựa lúa lớn của huyện nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Lãnh đạo xã Mường Luân cho biết các mô hình, dự án phát triển sản phẩm lúa chất lượng cao giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, từng bước thay thế các giống lúa địa phương bằng các loại giống lúa thuần chất lượng cao. Hiện nay, xã đang ưu tiên phát triển 20ha giống lúa chất lượng cao do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương.
Để thực hiện được sự chuyển mình mạnh mẽ này, huyện Điện Biên Đông và xã Mường Luân xác định nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về giảm nghèo, tuyên truyền giúp người nghèo chuyển đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm, phải đi trước một bước, từ đó mới nhận được sự đồng thuận và tham gia nhiệt tình của các hộ nghèo.
Đồng thời, để sinh kế được phát huy hiệu quả bền vững phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thói quen văn hoá của người dân, thúc đẩy công tác giảm nghèo, huyện chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: Phát triển chăn nuôi trâu, bò; du lịch cộng đồng; trồng cây dược liệu và cây lá thuốc công nghệ cao. Đặc biệt, địa phương tích cực huy động, lồng ghép các nguồn vốn để tổ chức thực hiện các mô hình.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Điện Biên Đông ngày càng giảm. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 41,58%, giảm 11,62% so với năm 2021. Điều quan trọng, sự chuyển đổi trong phương thức sản xuất bằng các mô hình sinh kế giảm nghèo hiệu quả giúp địa phương đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung.
Việc sản xuất nông nghiệp của bà con được chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa với quy mô lớn hơn gắn với thị trường. Đây cũng là hướng làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Điện Biên Đông.
Lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên cho biết đầu năm 2024, toàn tỉnh còn gần 36.000 hộ nghèo, chiếm 25,68%. Tỷ lệ hộ cận nghèo còn 11,29%, tổng số hộ cận nghèo là gần 15.800 hộ. Trên toàn tỉnh Điện Biên, các huyện, thị xã, thành phố đều xác định giảm nghèo nhanh, đa chiều, bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình sinh kế theo hướng liên kết.
Toàn tỉnh có 125 mô hình liên kết được hỗ trợ triển khai thực hiện trong 3 năm qua. Nhờ đó, nhiều người nghèo đã không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà đã thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.
Năm 2024, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai sọ tại xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) đang được nhân rộng sau thời gian khởi động chứng minh hiệu quả. Anh Thào A Làng, một hộ dân tham gia mô hình, chia sẻ gia đình trồng 2.500m2 khoai sọ và được dự án hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; cùng đó anh được tập huấn và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc. Khoai sọ đạt năng suất cao, giảm công sức lao động, đem lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều cây trồng khác. Mô hình giúp gia đình có việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo các chiều dịch vụ xã hội cơ bản.
Tham gia mô hình, những hộ gia đình như anh Làng cũng được ký kết hợp đồng tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm. Sản phẩm khoai sọ được Hợp tác xã H’Mông Tủa Chùa cam kết tiêu thụ.
Tại huyện Mường Chà, mô hình trồng bí xanh được người dân xã Mường Mươn thống nhất cao. Đến năm 2024, hiệu quả kinh tế từ loại cây này đem lại đang chứng tỏ đây là "cây giảm nghèo".
Ban đầu, mô hình có 10 hộ dân nghèo tại bản Púng Giắt 1, Púng Giắt 2 tham gia, với 2,6ha đất trồng, tổng vốn đầu tư 260 triệu đồng, kinh phí hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến nay, mô hình được nhân rộng với diện tích tăng nhanh do hiệu quả từ trồng bí xanh mang lại cao hơn nhiều so với tập quán trồng một vụ lúa mỗi năm trên nền đất ruộng khô cằn, thiếu nước trước đây. Diện tích vùng đất trồng đã tăng lên hơn 20ha. Hợp tác xã Nam Dương (thị trấn Mường Chà) kết nối bao tiêu đầu ra.
Huyện Mường Chà cũng chuyển đổi hơn 1.500ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Dứa, khoai tây, mắc ca, quế... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước, không chỉ giúp người dân thoát nghèo bền vững mà còn có cơ hội vươn lên làm giàu.
Tỉnh Điện Biên đang tổng lực các giải pháp hướng tới mục tiêu năm 2025, 2 huyện Mường Ảng và Tuần Giáo thoát nghèo. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ 2 huyện này bằng nhiều giải pháp như tập trung nguồn lực, sắp xếp thứ tự ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp... Với thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay và 6 huyện còn lại, tỉnh sẽ vẫn hỗ trợ đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội.
Tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ, nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Cùng với đó, khoảng 23,7% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiếp cận phương thức sản xuất mới, kỹ thuật sản xuất.