Tích cực ứng dụng công nghệ mới
Ông Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận cho hay, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 24/5/2011 của Tỉnh ủy về Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng NTM đến nay, Ninh Thuận đã có nhiều mô hình tiêu biểu về xây dựng NTM và sản xuất hiệu quả.
Thực hiện định hướng của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh, toàn tỉnh đã xây dựng được 14 cánh đồng với diện tích 1.328,25ha theo mô hình cánh đồng lớn, đã giảm giống từ 50-100kg/ha; giảm phân đạm 50-100kg/ha; giảm thuốc trừ sâu 1-2 lần; giảm nước 1-2 lần; giảm công lao động và thất thoát sau thu hoạch (thực hiện khâu cơ giới hóa từ làm đất đến thu hoạch trong sản xuất).
Ninh Thuận lan tỏa những mô hình sản xuất hiệu quả |
Riêng cây lúa đã tiết kiệm được lượng giống gieo sạ từ 100-150kg/ha, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật 2-3 lần/vụ, năng suất cao hơn từ 500-1.500kg/ha so với tập quán canh tác truyền thống nông dân. Cũng trong lĩnh vực trồng trọt, mô hình thâm canh cây nho, cây táo theo hướng VietGAP đã cho nhiều nông dân thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha/năm.
Các mô hình sản xuất hiệu quả gắn với chương trình NTM vẫn tiếp tục triển khai nhân rộng; đơn cử như mô hình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm” được huyện Ninh Phước nhân rộng 3.651 ha, huyện Thuận Bắc nhân rộng 948 ha, huyện Ninh Hải nhân rộng 225 ha.
Có thể thấy rõ các mô hình sản xuất rau an toàn; mô hình trồng táo, nho kết hợp với nuôi dê, cừu vỗ béo; mô hình sản xuất theo hướng VietGAP trên cây nho, táo tiếp tục được các địa phương thực hiện. Ngoài ra, các mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp tiếp tục được duy trì.
Theo mô hình này, huyện Ninh Hải có công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Mộc Thành Quả liên kết với Tổ hợp tác (THT) Măng tây xanh Bà Láp, HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp An Xuân bao tiêu 50 tấn măng tây xanh của nông dân (xã Xuân Hải).
Từ vùng đất hoang hóa, đến nay xã An Hải, huyện Ninh Phước đã cải tạo thành cánh đồng trồng măng tây xanh gắn với du lịch nông thôn, cho thu nhập từ 500-600 triệu đồng/ha tại khu vực trồng. Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn thực hiện tại các vùng thiếu nước với cây đậu xanh mang lại lợi nhuận trên 15 triệu đồng/ha, cao hơn trên 7 triệu đồng/ha; cây bắp lai lợi nhuận trên 10 triệu đồng/ha, cao hơn trên 4 triệu đồng/ha; cây mè mang lại lợi nhuận trên 10 triệu đồng/ha, cao hơn 3 triệu đồng/ha nếu so với trồng lúa.
Lan tỏa những mô hình sản xuất hiệu quả
Đặc biệt tại các huyện Thuận Nam, Ninh Sơn và Bác Ái, mô hình phát triển sinh kế nông-lâm kết hợp, thông qua việc trồng các loại cây ăn trái xen cây lâm nghiệp với diện tích 530 ha (gồm: 250 ha bưởi, 30 ha bơ, 250 ha mãng cầu), đã có hộ đồng bào thu được hàng trăm triệu đồng/năm nhờ kết hợp cây ăn trái với chăn nuôi bò, dê, cừu dưới tán rừng. Thông qua mô hình đã giúp người dân phát triển kinh tế, yên tâm bảo vệ rừng, góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững khu vực miền núi.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tiêu biểu là mô hình lai tạo đàn bò, dê, cừu. Ngành Nông nghiệp đã thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo, đồng thời khai thác đàn bò giống F1 được lai tạo trước đây, đưa tỷ lệ sind hóa đàn bò đạt 41% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 50%), dê cừu lai tạo giống mới đạt 90% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 90%). Đối với mô hình chuỗi giá trị trong chăn nuôi, đã thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi giữa Công ty chăn nuôi CP Việt Nam với 47 trang trại heo có giá nuôi gia công 4.000 đồng/kg thịt hơi xuất chuồng; chuỗi dê cừu của cơ sở chăn nuôi Triệu Tín, xã Phước Thuận liên kết với hơn 50 trại nuôi vỗ béo, được cơ sở thu mua theo giá thị trường nhưng đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi.
Đánh giá chung, qua thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đã cho thấy vai trò đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành tiêu chí về thu nhập người dân theo chuẩn xây dựng NTM.
Theo hướng đó, trong thời gian tới Sở NN&PTNT tăng cường công tác tuyên truyền về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cho hệ thống chính trị cơ sở và nhân dân thực hiện. Trọng tâm là rà soát, tổ chức đánh giá tổng kết các mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương để tiếp tục nhân rộng theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời tiếp tục lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư để thực hiện đầu tư và hỗ trợ nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.
Thu Hằng