Nuôi trồng và khai thác thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bạc Liêu. Phát huy lợi thế của ngành này, năm 2020, Hợp tác xã Nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải (huyện Đông Hải) đã được thành lập với 15 thành viên. 

Hiện Hợp tác xã có vốn điều lệ hơn 700 triệu đồng, tập trung sản xuất nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích nuôi là 87,8ha, trong đó diện tích thực nuôi của các thành viên của Hợp tác xã là 8,8ha với 90 ao nuôi. Mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 700 – 1.000 tấn tôm, lợi nhuận bình quân trên 5 tỷ đồng/ha, doanh thu từ dịch vụ đạt 110 triệu đồng.

Sau hơn 3 năm hình thành và phát triển, cơ cấu tổ chức của Hợp tác xã dần được hoàn thiện. Bộ phận điều hành gồm 15 người, gồm tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc sản xuất, giám đốc kinh doanh, giám đốc chi nhánh tại Mộc Châu. Cùng với đó là đội ngũ kỹ thuật viên, 28 công nhân sản xuất làm việc thường xuyên và 18 công nhân thời vụ.

Những kết quả đạt được của Hợp tác xã Nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải đã góp phần đáng kể giúp thành viên của hợp tác xã có công ăn việc làm, an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Hợp tác xã đã trở thành nhân tố tích cực cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo ở nông thôn, góp sức xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

anh bai 8a.jpg
Hợp tác xã đã chú trọng đầu tư theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.

Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải cho biết: Hợp tác xã đã chú trọng đầu tư theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đáng chú ý, Hợp tác xã đang thực hiện nuôi tôm công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASC.

“Các thành viên đầu tư các hồ tròn nổi lót bạt phục vụ nuôi tôm trên cạn, thực hiện che lưới ở toàn bộ khu vực nuôi nhằm hạn chế tác động từ ánh nắng mặt trời đến quá trình sinh trưởng của tôm. Để bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường, Hợp tác xã đào riêng một ao lót bạt để xử lý nước bằng hệ thống máy móc hiện đại. Tôm được nuôi theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, tôm ương vèo từ 20 - 25 ngày, sau đó xả theo đường ống qua hồ lớn. Giai đoạn 2, mật độ thả nuôi 300 con/m3, thời gian nuôi khoảng 50 - 70 ngày thì tôm đạt kích cỡ thu hoạch”, ông Nhiệm mô tả.

Nhằm hạn chế dịch bệnh trên tôm, Hợp tác xã Nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải đã thực hiện theo mô hình khép kín, quy trình vận hành nghiêm ngặt, được quản lý theo chương trình “3 sạch”: Tôm giống sạch bệnh, nước sạch, đáy ao sạch. 

Nước thải nuôi tôm được bơm qua các ao lọc khác nhau có nuôi cá, cua, còn nước mặt sau khi lắng sẽ chảy qua ao khác để Hợp tác xã xử lý trước khi sử dụng lại để nuôi tôm.

Đặc biệt, hệ thống hồ nổi không có bùn nên hạn chế được chất thải ra môi trường. Lưới che bên trên không chỉ giúp ổn định nhiệt độ mà còn giúp ngăn chim và các động vật khác xâm nhập. Điều này giúp tôm khỏi mang mầm bệnh đốm trắng, bị hoại tử gan tụy, khắc phục được tôm chết hàng loạt khi mới xuống giống.

“Việc nuôi tôm công nghệ cao như vậy đạt tỷ lệ thành công trên 90%. Năng suất tôm tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống. Nuôi công nghệ cao mật độ thả nuôi dày nhưng chúng tôi không dùng kháng sinh. Chất bẩn trong ao được xử lý bằng vi sinh trộn với mật mía, giúp khử mùi, đảm bảo an toàn. Nhờ quản lý được thức ăn và môi trường nên tôm thu hoạch cho chất lượng cao, giá doanh nghiệp thu mua thường cao hơn 5.000 đồng/kg so với mức giá chung trên thị trường. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao như vậy giúp giảm nhiều rủi ro cho các thành viên”, ông Nhiệm thông tin thêm.

Chia sẻ về định hướng phát triển thời gian tới, Giám đốc Tạ Hoàng Nhiệm cho biết, Hợp tác xã sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống hồ tròn nổi để nuôi tôm. Khi tăng quy mô sẽ đầu tư thêm hệ thống biogas để bảo đảm nguồn nước trước khi thải ra có thể tái sử dụng 100%, đồng thời phần chất thải sẽ tận dụng làm chất đốt.

“Điều này sẽ giúp quá trình nuôi thủy sản hoàn toàn không có chất thải và có thể bảo vệ môi trường gần như tuyệt đối”, ông Nhiệm nhấn mạnh. 

Bình Minh và nhóm PV, BTV