Gần đây, ở Việt Nam, nhiều kênh YouTube “giang hồ” kiểu Khá Bảnh trở nên nổi tiếng bằng các video miêu tả lối sống xã hội đen, chơi bời, cờ bạc. Mặc dù nội dung bị đánh giá là thiếu giáo dục và bạo lực, không có gì ngoài các yếu tố gây sốc và tò mò như cởi trần khoe hình xăm, nhậu nhẹt, văng tục, phì phèo hút thuốc, hay tay cầm gậy khà khịa, dằn mặt đối thủ, các kênh này có tới cả triệu subscribers (người đăng ký theo dõi).
“Có nhiều bằng chứng cho thấy mạng xã hội có xu hướng khuyến khích các nội dung gây sốc, một phần vì các nền tảng đó được thiết kế để tối đa hóa lượng truy cập",
Stephen Merity, nhà nghiên cứu công nghệ máy học (machine learning)
Dường như video và nội dung tuy bạo lực, tục tĩu nhưng lại lôi cuốn số lượng lớn người truy cập là hiện tượng đang diễn ra trên toàn thế giới.
Chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên YouTube, Zing.vn có thể tìm được nhiều kênh YouTube ở các nước chuyên tập hợp các cảnh đánh lộn do người chứng kiến quay được thành một video dài. Các kênh này thu hút hàng triệu lượt truy cập mỗi video.
Các video có nhan đề “Khi bạn gây sự với nhầm người” hay “Đáng đời”, được đăng thành các series, là những cảnh gây sốc như thầy giáo đánh học sinh ngay trên lớp hay người phục vụ và khách hàng đánh nhau qua quầy thanh toán. Ngay trong video, các hành vi sai trái như gây sự đánh nhau hay dùng dao chọc thủng lốp xe người khác được người xung quanh hò reo, cổ vũ.
"Rõ ràng bạo lực là thứ đắt hàng. Nó lôi cuốn sự chú ý", Barbie Zelizer, giáo sư ngành truyền thông ở ĐH Pennsylvania (Mỹ) và tác giả cuốn “Trước khi chết: Ảnh báo chí thay đổi dư luận như thế nào” nói với Zing.vn qua điện thoại.
Hàng chục kênh giang hồ nhan nhản trên YouTube tiếng Việt trong thời gian gần đây. Ảnh chụp màn hình. |
Các nền tảng ưu tiên nội dung gây sốc
“Có nhiều bằng chứng cho thấy mạng xã hội có xu hướng khuyến khích các nội dung gây sốc, một phần vì các nền tảng đó được thiết kế để tối đa hóa lượng truy cập, và rõ ràng nhiều người thích xem những nội dung đó”, Dipayan Ghosh, nghiên cứu sinh tại Trường Kinh Doanh Kennedy ở ĐH Harvard, từng làm việc trong đội ngũ về chính sách và quy định riêng tư của Facebook, trả lời Zing.vn qua email.
Nhiều mạng xã hội phổ biến nhất hành tinh được tối ưu hóa theo một số tiêu chí như “thời gian truy cập”, “số video được xem”, “số quảng cáo được nhấn chuột”.
“Những tiêu chí đó gắn liền với việc gây tò mò, chú ý, và không gắn với lợi ích cho cộng đồng hoặc tính trung thực của nội dung”, Stephen Merity, nhà nghiên cứu công nghệ máy học (machine learning), giải thích. “Các công ty công nghệ dồn toàn lực để đẩy lên các nội dung sẽ lan truyền nhanh chóng (viral) mà không có cơ chế kiểm soát nội dung đó tốt hay xấu”.
Đáng chú ý, mục tiêu đó được thực hiện một cách tự động bởi trí tuệ nhân tạo, có nhiệm vụ lôi cuốn người dùng bằng mọi giá. Không ngạc nhiên khi video vụ xả súng hay bạo lực, tục tĩu, gây sốc sẽ được trí tuệ nhân tạo mời gọi người dùng xem tiếp.
Sau khi xem vài video như vậy, danh sách “Up Next” (tiếp theo) ở bên phải, là các video mà YouTube sẽ tự động phát nếu người dùng không can thiệp, sẽ chứa đầy các video bạo lực.
Không ngạc nhiên khi video vụ xả súng hay bạo lực, tục tĩu, gây sốc sẽ được trí tuệ nhân tạo mời gọi người dùng xem tiếp.
Sự thiên lệch của Internet được minh họa rõ nét nhất bởi cha đẻ của Twitter Evan Williams. Mạng Internet trao phần thưởng cho những thứ cực đoan, ông Williams nói với New York Times năm 2017.
Bản chất của con người là tò mò. Nếu đi ngoài đường và gặp một vụ đâm xe, bạn sẽ nhìn, và mọi người đều sẽ nhìn. Nhưng Internet lại hiểu điều này theo nghĩa rằng mọi người đều mong muốn xem các vụ đâm xe, để rồi phục vụ một thực đơn toàn những nội dung đâm xe, theo ông Williams.
YouTube được tối ưu hóa theo một số tiêu chí như “thời gian truy cập”, “số video được xem”, “số quảng cáo được nhấn chuột”. Ảnh: Reuters. |
Công nghệ chặn nội dung xấu không hiệu quả
Từ nhiều năm nay, các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như YouTube, Facebook và Twitter đã liên tục bị chỉ trích, vì các dạng nội dung độc hại được phát tán tràn lan trên các nền tảng của mình, như bạo lực, cực đoan, phát xít mới, thù ghét người Hồi giáo và Do thái, tin giả, thuyết âm mưu. Ở các kênh lớn, các nội dung đó ảnh hưởng tới hàng triệu người.
YouTube có những công nghệ trí tuệ nhân tạo tự động nhận dạng các nội dung xấu như trên để quyết định gỡ bỏ.
Nhưng theo ông Merity, YouTube, Facebook, Twitter và các mạng xã hội đều có một vấn đề căn bản. “Họ luôn muốn thêm nội dung, vì nội dung là thứ kéo người dùng tới dùng sản phẩm của họ. Họ có hàng tỷ bài đăng mỗi ngày và không có cách nào để xử lý được lượng thông tin đó”, ông nói với Zing.vn.
“Có thể thấy các quy trình đó đã thất bại lần này qua lần khác… vì các công ty như YouTube không có lợi ích kinh tế từ việc gỡ bỏ nội dung”,
Dipayan Ghosh, nghiên cứu sinh tại ĐH Harvard và từng làm tại Facebook
Các mạng xã hội đều dùng trí tuệ nhân tạo để giới thiệu nội dung, nhưng công nghệ này chỉ phát hiện các nội dung xấu nếu hiểu được chúng.
“Có thể thấy các quy trình đó đã thất bại lần này qua lần khác… vì các công ty như YouTube không có lợi ích kinh tế từ việc gỡ bỏ nội dung”, ông Ghosh nói. “Chúng ta cần tạo ra các chế tài thông qua quy định để có thể bảo vệ cộng đồng”.
Ông Ghosh cho rằng trẻ em có nguy cơ cao nhất khi xem video bạo lực. “Trẻ em thường không biết tác hại của những dạng nội dung nhất định và thường vô tình bị lôi cuốn, ngay cả khi nội dung là lệch lạc”, ông nói. “Vì vậy chúng ta nên đặc biệt cẩn trọng để bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung bạo lực, đặc biệt là vì chúng rất dễ bị lôi cuốn”.
Trong khi đó, giáo sư Zelizer nói thêm các nền tảng công nghệ chỉ là một mặt của vấn đề, không thể tách bạch khỏi vấn đề “văn hóa bạo lực” đang tồn tại trong xã hội.
Bà cho rằng vấn đề kiểm soát nội dung độc hại trên truyền thông đã có từ lâu, và các công ty Internet đang kế thừa những vấn đề vốn đã được TV và báo giấy tranh luận nhiều từ xưa.