Cùng với quá trình củng cố, đổi mới và phát triển, những năm vừa qua, nhiều mô hình HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, tiếp sức tích cực cho chương trình NTM vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Giúp các thành viên tăng thu 2-3 triệu đồng/ha
HTX Rạch Lọp là một HTX điển hình của xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Khi mới thành lập, chỉ có 422 thành viên đăng kí tham gia HTX, đến nay HTX đã phát triển được 514 thành viên.
Hoạt động của HTX làm các dịch vụ như bơm tát, khai thác quản lý chợ, bao tiêu sản phẩm đầu ra, cung cấp đầu vào cho các thành viên trong lĩnh vực sản xuất lúa. HTX hoạt động hiệu quả đã đem đến nhiều lợi ích cho các thành viên như: tăng lợi nhuận trên sản phẩm, ổn định được giá cả và tăng thu nhập cho thành viên qua sử dụng dịch vụ.
Hiện nay HTX đang làm các thủ tục để hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo, đặc biệt là khâu đóng gói, đưa ra sản phẩm ra thị trường.
Mô hình HTX kiểu mới trong nông nghiệp giúp cải thiện bền vững tiêu chí thu nhập. |
Ông Trương Hữu Trí, Giám đốc HTX Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An cho biết, do diện tích lúa của HTX sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, hữu cơ) nên các doanh nghiệp thường thu mua với giá cao hơn từ 100-200 đồng/kg.
Không chỉ có vậy, do HTX Gò Gòn vay được nguồn vốn đầu tư đầu vào giá thành thấp nên đã đầu tư giống, phân bón, thuốc BVTV cho các thành viên với giá thành thấp và không tính lãi; nhờ đó chi phí giảm từ 2,5-3 triệu đồng/ha.
Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX Gò Gòn trở thành 1 trong 57 HTX tiêu biểu toàn quốc và được Sở NN&PTNT tỉnh Long An đầu tư, hỗ trợ xây dựng kho bãi, lò sấy, máy san đất bằng tia laser, máy gặt đập liên hợp… hướng tới sự phát triển an toàn, bền vững.
Nhiều HTX có thêm thành viên
Theo Bộ NN&PTNT, thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL, đến nay các địa phương đã hỗ trợ thu hút 107 lao động trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc cho HTX nông nghiệp. Ngoài ra, các địa phương đã thực hiện đào tạo bồi dưỡng được 149 lớp với 3.918 lượt người. Nhờ đó, trình độ cán bộ quản lý của HTX thí điểm đã được nâng lên.
Cùng với hỗ trợ về nguồn lực, các địa phương đã hỗ trợ 141 công trình hạ tầng cho các HTX tham gia thí điểm ở với tổng số tiền hơn 165 tỷ đồng. Các hạng mục hỗ trợ gồm: 24 công trình là sân phơi, nhà kho, cửa hàng vật tư nông nghiệp; 24 công trình xưởng sơ chế, chế biến; 31 công trình thủy lợi, giao thông nội đồng; 05 công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản; 39 công trình trụ sở làm việc của HTX và 18 công trình hạ tầng khác.
Nhờ các chính sách hỗ trợ kể trên và sự cố gắng, nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, tính đến cuối năm 2019, có 175 mô hình HTX nông nghiệp tham gia mô hình thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL thì có tới 122 HTX xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hàng năm.
Đáng chú ý, quy mô đất đai, mặt nước của một số HTX thí điểm tăng lên, trong đó có 10 HTX tăng diện tích sản xuất chung và 33 HTX bổ sung thêm diện tích của thành viên. Đến nay, có 87 HTX áp dụng quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng trong sản xuất và 14 HTX áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Sau khi tham gia thí điểm đã có 36 HTX tăng vốn điều lệ và 41 HTX tăng vốn chủ sở hữu.
Thanh Thủy
Ảnh: Hồng Hạnh