Quyết định tiếp tục thí điểm mô hình Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/6.
Cùng với việc cho phép tiếp tục thí điểm mô hình Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung đến hết năm 2023, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT tổng kết việc thực hiện Quyết định 333 ngày 3/3/2016 thí điểm thành lập Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung và báo cáo trước ngày 30/6/2023.
Trong thời gian tiếp tục thí điểm, Bộ TT&TT cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất và trình Thủ tướng Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý liên quan, đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn.
Trong năm nay, Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung dự kiến sẽ kết nạp thêm từ 1 - 2 thành viên chính thức (Ảnh minh họa: Internet) |
Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thí điểm thành lập vào đầu tháng 3/2016, Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung tại thời điểm đó gồm có 2 thành viên là Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM (ITP).
Quyết định 333 cũng nêu rõ, Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung là tổ chức liên kết giữa QTSC với các khu CNTT tập trung, khu phần mềm, trung tâm CNTT để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực CNTT.
Theo QTSC, quá trình hoạt động gần 5 năm từ tháng 3/2016 đến tháng 12/2020, dù Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung chỉ kết nạp thêm 1 thành viên mới là Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) song tính hiệu quả, lợi ích của Chuỗi đã tạo được sự lan tỏa và có 7 tỉnh thành quan tâm, mong muốn xây dựng khu công nghệ để tham gia vào Chuỗi, gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Bình Định, Cần Thơ, Tây Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương.
Ngoài 3 thành viên chính thức, Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung hiện có 2 thành viên dự kiến và 5 thành viên tiềm năng (Ảnh: qtsc.com.vn) |
Hoạt động của Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung trong giai đoạn 2016 - 2020 cũng đã góp phần nâng cao vai trò thu hút đầu tư vào ngành CNTT, phát huy thế mạnh của từng thành viên tại địa phương, tương hỗ lẫn nhau, tạo ra sức mạnh tổng thể của Chuỗi để cạnh tranh với các nước.
Thông qua mô hình Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung, TP.HCM đã thể hiện được vai trò dẫn dắt, nòng cốt liên kết một số tỉnh, thành phố để phát triển ngành CNTT dưới sự hỗ trợ của Chính phủ nhằm phát huy tối đa các lợi thế, nguồn lực sẵn có của thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của đại diện lãnh đạo UBND TP.HCM, Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung vẫn còn có những hạn chế, khó khăn như: vấn đề đất đai để xây dựng các khu tham gia Chuỗi bởi thủ tục pháp lý nhiêu khê, chưa rõ ràng; hay vấn đề tài chính vì không có hạ tầng pháp lý nên dù ngân sách có tiền nhưng khó giải ngân được...
Trong phát biểu tại hội nghị đánh giá mô hình Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung giai đoạn 2016 - 2020 được Bộ TT&TT cùng UBND TP.HCM và Hội đồng quản lý Chuỗi tổ chức ngày 29/12, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhận định, dù chưa đạt được tất cả các chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng cơ bản những chỉ tiêu không đạt được đều do vấn đề khách quan. Tiềm năng phát triển Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung rất lớn và rõ ràng.
“Do đó, Bộ TT&TT sẽ kiến nghị Thủ tướng cho phép kéo dài thí điểm thêm 3 năm, giai đoạn 2021 - 2023, nhằm phát huy những kết quả tích cực trong thời gian qua cũng như hoàn thiện thêm mô hình tổ chức, nguồn lực hoạt động cũng như các cơ sở pháp lý để đáp ứng nhu cầu phát triển của Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung trong giai đoạn tiếp theo”, Thứ trưởng Phan Tâm cho hay.
Vân Anh
Trở thành thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, HueCIT được hưởng ưu đãi với khu CNTT tập trung
ictnews Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định phê duyệt việc kết nạp Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) là thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. HueCIT sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi đối với khu CNTT tập trung.