Từ tháng 5/2023, Tỉnh ủy Sơn La triển khai thí điểm mô hình chính quyền thân thiện và giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì thực hiện.
Đến nay, mô hình chính quyền thân thiện đang được áp dụng thí điểm tại TP Sơn La, huyện Mộc Châu và huyện biên giới Sông Mã.
Ở TP Sơn La, theo ông Quân mô hình trên được áp dụng tại phường Quyết Thắng. Một số giải pháp nhằm mềm hóa hoạt động của chính quyền được áp dụng như: tổ chức lễ trao giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh, gửi thư chia buồn gia đình người thân qua đời, thư xin lỗi khi chính quyền có khuyết điểm
Phường cũng thành lập một tổ công tác gồm 15 cán bộ để vận hành chính quyền thân thiện, kết quả cho thấy hơn 1000 hồ sơ đến phường đều không xảy ra tình trạng trả kết quả chậm, muộn.
Xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã được biết đến là xã biên giới, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Chỉ trong thời gian ngắn áp dụng, việc vận hành của chính quyền đã có những chuyển biến rõ rệt.
Với việc cử lãnh đạo UBND xã túc trực tại bộ phận một cửa đã thúc đẩy tốc độ giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với việc ứng dụng công nghệ như hệ thống wifi, tích hợp hồ sơ qua mã QR Code… đã giúp công dân nắm được trình tự các thủ tục cần xử lý. 100% hồ sơ liên quan đến Tư pháp – Hộ tịch tại Chiềng Khương hiện nay được giải quyết trong ngày.
Với những kết quả tích cực đạt được, báo VietNamNet có cuộc phỏng vấn ông Lưu Minh Quân - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La để hiểu rõ hơn về việc triển khai Chính quyền thân thiện.
Thưa ông, được biết Ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La đang triển khai xây dựng điểm mô hình chính quyền thân thiện tại một số đơn vị. Xin ông cho biết, bối cảnh Sơn La khi xây dựng mô hình này như thế nào? Những kết quả bước đầu đạt được của mô hình trên địa bàn tỉnh?
Ông Lưu Minh Quân: Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cơ sở, xây dựng phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", hướng đến sự hài lòng của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, cũng như triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát dân thụ hưởng” theo Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng; đồng thời triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025...
Cuối năm 2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã xác định chương trình phối hợp triển khai công tác dân vận năm 2023, trong đó đề ra nhiệm vụ triển khai xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện” ở một số xã, phường, thị trấn. Sau thời gian chuẩn bị tích cực, khẩn trương, 3 mô hình điểm tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã; Phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La và thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, đã ra mắt trong tháng 7/2023 theo đúng kế hoạch đề ra.
Đánh giá bước đầu, việc xây dựng và triển khai mô hình điểm “Chính quyền thân thiện” đã có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy; sự phối hợp chặt chẽ của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, các sở ngành liên quan; có sự đồng thuận và quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cấp huyện và 3 cơ sở được chọn điểm;
Qua thí điểm, người dân khi đến giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả các xã, phường thị trấn đã cảm nhận được những thay đổi tích cực, từ hoạt động của chính quyền cơ sở thân thiện hơn; môi trường công sở được bố trí sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn hơn, đặc biệt là tinh thần, thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở gần gũi, thân thiện hơn, và từ đó mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền cơ sở được đánh giá cao hơn so với trước khi triển khai thực hiện mô hình.
Thưa ông, với việc thí điểm mô hình chính quyền thân thiện, Tỉnh ủy Sơn La đặt ra những mục tiêu và kế hoạch cụ thể như thế nào để phù hợp với thực tế địa phương?
Ông Lưu Minh Quân: Mục đích đặt ra khi xây dựng các mô hình điểm là nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức và đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cơ sở, hướng đến sự hài lòng của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở; xây dựng môi trường phục vụ thân thiện; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính và quy trình giải quyết TTHC theo quy định của pháp luật; nâng cao đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức;
Xác định mục tiêu đem lại từ việc triển khai mô hình sẽ cải thiện được hoạt động của chính quyền các cấp bảo đảm công khai, dân chủ, hướng tới chính quyền điện tử; bảo đảm cơ sở vật chất, môi trường công sở văn minh, thân thiện; xây dựng hoạt động của chính quyền theo hướng gần gũi, thân thiện;
Xây dựng hình ảnh người đứng đầu chính quyền gương mẫu, thân thiện và có trách nhiệm với người dân và doanh nghiệp; đội ngũ cán bộ công chức, nhân viên, cán bộ cơ sở có trách nhiệm với người dân và doanh nghiệp, từ đó, góp phần quan trọng tạo đồng thuận xã hội, đồng hành của nhân dân, doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “phục vụ”; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ.
Xác định việc triển khai không nóng vội, phù hợp với tình hình địa phương còn nhiều khó khăn (về trụ sở làm việc của một số xã, điều kiện kinh tế; về trình độ, năng lực và nhận thức của cán bộ, công chức và người dân…), phù hợp với lộ trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số;
Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Sơn La đã khảo sát và đề xuất lựa chọn 3 đơn vị cấp xã (một xã, một phường, một thị trấn, phù hợp cho các loại hình chính quyền cơ sở) để chỉ đạo triển khai xây dựng thí điểm; sau một năm thực hiện (tháng 6/2024) sẽ tiến hành đánh giá cụ thể, trên cơ sở đó sẽ xem xét, đề xuất việc nhân rộng đối với các cơ sở khác trong tỉnh bảo đảm phù hợp, khả thi, thực chất và hiệu quả.
Với 12 dân tộc chủ yếu cùng với địa hình đa dạng, giáp biên giới... theo ông việc xây dựng chính quyền thân thiện góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc như thế nào cũng như tăng hiệu quả, hiệu lực của chính quyền khi áp dụng các chủ trương, chính sách?
Ông Lưu Minh Quân: Việc triển khai xây dựng Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ có thể khẳng định là việc làm đúng đắn, cần thiết nhằm tạo sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, phong cách làm việc, phục vụ nhân dân trong mỗi cán bộ, công chức cơ quan, chính quyền cấp xã; vai trò, trách nhiệm, uy tín của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các đơn vị sẽ được nâng lên và được người dân ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao;
Từ những hành động cụ thể sẽ tạo dựng, củng cố sự gắn kết chặt chẽ, tin cậy, đồng cảm, chia sẻ giữa chính quyền và Nhân dân; kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng những khó khăn, vướng mắc của Nhân dân; việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước sẽ bảo đảm thực chất, hiệu quả hơn, trên cơ sở củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần củng cố khối đoàn kết các dân tộc trên địa bàn.
Với những kết quả bước đầu, mô hình “Chính quyền thân thiện” thí điểm tại Sơn La khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, xây dựng bộ máy chính quyền cởi mở, thân thiện vì Nhân dân phục vụ
Xin trân trọng cảm ơn ông!