Anh cham sach 1 (1).jpg

Học sinh trường THPT Hòa Ninh tự tin chia sẻ về việc đọc sách tại buổi chạm sách chủ đề “Trên bục giảng”

Buổi sinh hoạt kỳ thứ 11 đúng vào dịp cuối tuần đầu tháng 11, chủ đề Trên bục giảng đã được thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM lặn lội từ Đà Lạt về chia sẻ. 

Tại buổi sinh hoạt trong thư viện Miệt Vườn, các bạn học sinh Hòa Ninh đã điểm sách, giới thiệu và bình luận cuốn sách Trên bục giảng. Sau đó, thạc sĩ Lê Minh Huân -  tác giả cuốn sách Sống tích cực, thương chân thành - NXB Dân Trí đã chia sẻ về ký ức người thầy mà anh nhớ nhất.

Theo anh, người thầy đầu tiên mà mỗi người nên nhớ là bố mẹ mình, người đã sinh ra, dạy dỗ và dõi theo chúng ta suốt hành trình: “Họ là người tập nói, tập nghe, tập mình nếp sống để vào đời vững chãi”.

Anh cham sach 2 a (1).jpg
Thạc sĩ Lê Minh Huân nói về vai trò thầy giáo là người kiến tạo tâm hồn học trò, trên bục giảng người thầy cần mẫu mực.

Thạc sĩ Lê Minh Huân mang đến những góc nhìn thú vị về người thầy: “Có những người thầy rất khó tính, đôi khi rất nóng tính hoặc chưa giỏi về kỹ năng sư phạm. Nhưng không sao, mỗi người thầy, đều giúp nuôi dưỡng tâm hồn mình, rèn luyện khả năng thích nghi hoàn cảnh sống, môi trường sống bất như ý nếu như ta nhìn bằng đôi mắt tích cực”. 

Bằng đôi mắt của người trên bục giảng, anh cho rằng, thầy cô cũng có áp lực riêng mà học trò cần cảm thông, có khi cần thời gian đủ lớn để thông cảm, nhưng đừng oán trách nếu họ chưa phải là người thầy như mình suy nghĩ.

Cô giáo Trần Huỳnh Nhị kiến tạo chương trình Chạm sách cũng là người chấp bút cuốn Sống giàu (NXB Thế giới) cho biết, hoạt động được mở ra hơn 1 năm với 11 kỳ chạm sách. Mỗi kỳ, học sinh cù lao An Bình đều đón các tác giả, diễn giả nổi tiếng, người đã có thành công trên các lĩnh vực có viết sách, yêu sách, đọc nhiều sách đến chia sẻ.

“Không chỉ chạm vào cuốn sách mà các em còn chạm vào những pho sách sống động hơn - chính là các tác giả - để từ đó có thêm niềm đam mê đọc sách”, cô Trần Huỳnh Nhị nói.

Anh cham sach 3 (1).jpg
Thầy và trò xứ cù lao An Bình cùng chạm sách. Nhờ hoạt động này mà việc đọc sách của học sinh trở nên không quá khó khăn, sách không còn xa lạ với các em nữa.

Nói với VietNamNet, chị Út Trinh, người sáng lập thư viện Miệt Vườn chia sẻ, rất tâm đắc với hoạt động khuyến đọc, lan tỏa văn hóa đọc trong người trẻ nên đã dành một không gian rộng lớn tại homestay của mình cho sách. 

“Những du khách đến tham quan sông nước miền Tây lưu trú tại đây cũng rất thích không gian thư viện Miệt Vườn cùng những hoạt động chạm sách của học sinh”, chị Út Trinh cho biết.