Theo Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng phương thức thương mại điện tử để thực hiện các hành vi sai phạm như: buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng... (Ảnh minh họa: Internet) |
Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa được Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) ban hành.
Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia; xây dựng kế hoạch chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp Tết nguyên đán Canh Tý 2020.
Theo kế hoạch mới ban hành, một trong những nhiệm vụ của Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương là chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong đợt cao điểm kéo dài từ ngày 20/12/2019 đến ngày 28/2/2020 tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kip thời các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ; các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến... và các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng.
Liên quan đến vấn đề này, trong trao đổi tại lễ khai trương Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử và ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” đợt 2 diễn ra ngày 18/12 vừa qua, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhận định, bên cạnh những mặt tích cực, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến đang phát sinh nhiều rủi ro, làm mất lòng tin của người tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Theo ông Thế, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng phương thức thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hạn chế trong kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các vi phạm khác.
Không những thế, rất nhiều website giả mạo doanh nghiệp uy tín để cung cấp những thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối người tiêu dùng, thậm chí lợi dụng phương thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức.
“Đặc biệt, thời gian gần đây, các mạng xã hội, ứng dụng thương mại điện tử cũng đang được các đối tượng sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát cũng như gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng”, ông Thế cho hay.
Trước tình hình đó, Văn phòng thường trực đã đề xuất Ban chỉ đạo 389 quốc gia việc xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử. “Đến nay, Kế hoạch đã được các bộ, ngành, địa phương tham gia góp ý kiến, đều thống nhất sự cần thiết phải có kế hoạch của Ban chỉ đạo 389 quốc gia để chỉ đạo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững”, vị Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết thêm.
Cũng tại sự kiện ngày 18/12, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã cho biết, trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ có kế hoạch cao điểm để kiểm tra, kiểm soát quyết liệt hơn đối với lĩnh vực thương mại điện tử mà trọng tâm trước hết là các sàn giao dịch thương mại điện tử, với mục tiêu làm sao ngăn ngừa một cách hiệu quả những hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội, các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Theo ông Linh, mới đây lãnh đạo Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ TT&TT để tới đây sẽ có những biện pháp cụ thể, hữu hiệu hơn trong việc xử lý vi phạm trên mạng. “Xử lý gian lận thương mại trên môi trường mạng tương đối phức tạp, liên quan đến nhiều ngành. Do đó, cần thiết có sự phối hợp giữa các lực lượng trong đó có Ban chỉ đạo 389 quốc gia, TT&TT, quản lý thị trường, an ninh kinh tế… để từ năm 2020 triển khai nhiều hoạt động nhằm bước đầu lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử Việt Nam”, ông Linh nhấn mạnh.