
Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” (gọi tắt là chương trình 830) được ban hành đúng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2021 là một thông điệp mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ bảo vệ thế hệ công dân số tương lai, hướng tới xây dựng, duy trì một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em thỏa sức sáng tạo.

Bên cạnh mục tiêu bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, chương trình 830 cũng đặc biệt chú trọng việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi - hệ miễn dịch số, giúp trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường số. Đồng thời, duy trì môi trường mạng lành mạnh để trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.
Thực tế, những năm qua, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang “chung tay” để tạo không gian, môi trường cho trẻ em tương tác, sáng tạo lành mạnh và an toàn.
Cuộc thi “AI for Good Việt Nam 2025” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Giáo dục InterEdu phát động ngày 27/3 là một hoạt động như vậy. Đây là một sân chơi giáo dục dành cho học sinh phổ thông trên toàn quốc nhằm ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, đóng góp vào phát triển bền vững.
Cuộc thi “AI for Good Việt Nam 2025” giúp học sinh thúc đẩy niềm yêu thích công nghệ và các ý tưởng đưa công nghệ giải quyết các vấn đề thực tế của cuộc sống cũng như những thách thức lớn trên thế giới như biến đổi khí hậu, sức khỏe con người, bảo vệ di sản văn hóa, hỗ trợ người khuyết tật...; từ đó tăng cường các kỹ năng sẵn sàng cho thế kỷ 21, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD nhận xét, Việt Nam đã và đang có những bước tiến đáng kinh ngạc trong lĩnh vực công nghệ và AI. Chính phủ đã đặt ra chiến lược chuyển đổi số quốc gia, và thế hệ trẻ sẽ là những người dẫn dắt cuộc cách mạng này.
“Cuộc thi không chỉ giúp các em thể hiện tài năng mà còn là nơi các em học cách sử dụng công nghệ có trách nhiệm, sáng tạo và hướng tới cộng đồng, và đặc biệt phát huy tinh thần của người Việt trẻ ham học hỏi và không ngừng sáng tạo. Tôi mong rằng từ đây, những nhà sáng tạo nhí của Việt Nam sẽ tạo ra những giải pháp AI không chỉ tốt cho Việt Nam mà còn có thể truyền cảm hứng cho cả thế giới, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, bà Nguyễn Phương Linh chia sẻ.

Tại lễ phát động diễn ra ngày 27/3, bà Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc phát triển chương trình của Tổ chức giáo dục InterEdu đã công bố nội dung, thể lệ và hướng dẫn học sinh cách thức tham gia cuộc thi.
Theo thể lệ, học sinh tham gia theo nhóm từ 2 đến 6 em với mỗi bảng thi, trong đó bảng A dành cho học sinh tiểu học, bảng B dành học sinh THCS và bảng C là cuộc đua tài của học sinh THPT. Mỗi đội thi được đại diện bởi 1 trưởng nhóm, có thể là giáo viên, người hướng dẫn, nhân viên, phụ huynh hoặc người giám hộ.

Các đội thi sẽ áp dụng những bài học để thiết kế về một khái niệm hoặc ý tưởng tạo ra sự khác biệt trong việc giải quyết các thách thức của cộng đồng địa phương hoặc thế giới xung quanh. Bài dự thi nộp dưới hình thức 1 video giới thiệu ý tưởng có thời lượng dưới 2 phút và 1 bài trình bày PowerPoint theo mẫu do Ban tổ chức cung cấp.
Các chủ đề “AI for Good Việt Nam 2025” không giới hạn trong việc thực hiện giải quyết các vấn đề của các mục tiêu phát triển bền vững, các đơn vị tổ chức khuyến khích (nhưng không giới hạn) học sinh chọn các lĩnh vực như AI vì giáo dục; AI vì sức khỏe; AI vì môi trường; AI vì trẻ em, người khuyết tật; AI vì hoạt động từ thiện nhân đạo; AI vì bình đẳng.
