Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 46/2024 quy định trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới của cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy (xe máy).

Trong khi đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025, quy định phải thực hiện kiểm định khí thải đối với xe máy.

Hiện nay, pháp luật mới quy định điều kiện cơ sở đăng kiểm ô tô, xe bốn bánh, nhưng chưa có quy định về kiểm tra khí thải xe máy. Do đó, Thông tư 46 là hành lang pháp lý quan trọng để triển khai việc kiểm định khí thải xe máy.

xe may.jpg
Cơ sở đăng kiểm xe máy phải có diện tích tối thiểu 35m2. Ảnh: Tư liệu 

Theo đó, Thông tư 46 quy định các tổ chức, cá nhân muốn lập cơ sở kiểm định khí thải xe máy phải có hồ sơ đề nghị gửi đến Sở GTVT. Hồ sơ phải có bản vẽ cơ sở kiểm định, danh sách nhân lực, danh sách thiết bị kiểm tra, v.v.

Nếu hồ sơ nộp trực tiếp, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở GTVT phải thông báo lịch kiểm tra, đánh giá thực tế tại cơ sở.

Trường hợp nộp qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận hồ sơ, Sở GTVT kiểm tra thành phần hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Sở GTVT sẽ thông báo cho tổ chức đề nghị thành lập cơ sở kiểm định khí thải.

Nếu hồ sơ đầy đủ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cấp thẩm quyền phải thông báo tiếp nhận hồ sơ và ghi rõ thông tin về lịch kiểm tra, đánh giá thực tế.

Đoàn kiểm tra của Sở GTVT sẽ thực hiện đánh giá, kiểm tra trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày lập thông báo tiếp nhận hồ sơ.

Ngoài ra, các cơ sở kiểm định phải đáp ứng các điều kiện sau: diện tích tối thiểu 35 m² và mỗi vị trí kiểm định phải có diện tích tối thiểu 6 m2. Cơ sở kiểm định phải có khu vực kiểm định, khu vực để xe, khu vực văn phòng (không bắt buộc đối với cơ sở kiểm định lưu động). Thiết bị kiểm định khí thải phải phù hợp với quy định.

Khu vực kiểm định khí thải xe máy phải cách xa trường học, bệnh viện trên 50m; phải có camera giám sát khu vực kiểm định khí thải, v.v.

Liên quan đến việc kiểm định khí thải xe máy, mới đây Bộ GTVT cũng ban hành Thông tư 47, trong đó quy định trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Theo đó, Thông tư quy định đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất dưới 5 năm, chu kỳ kiểm định khí thải là 60 tháng tính từ ngày xuất xưởng. Trường hợp xe mô tô, xe gắn máy không có thông tin về ngày xuất xưởng trong cơ sở dữ liệu, sẽ tính từ ngày 31/12 của năm sản xuất xe.

Đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất từ trên 5 năm đến 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 24 tháng; đối với xe có thời gian sản xuất trên 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 12 tháng.

Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho biết kết quả đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố: Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng cho thấy, xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn.

Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn. Cụ thể, ở Hà Nội chiếm 72,58%, tại TP.HCM chiếm 68%, và tại Đà Nẵng chiếm trên 59%.

Tuy nhiên, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định các quy định trên chỉ là một trong nhiều bước để tiến tới kiểm định khí thải xe máy.

Về lộ trình thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT xây dựng và trình Chính phủ ban hành quyết định. Quyết định này sẽ quy định cụ thể thời điểm, tiêu chuẩn áp dụng, cách thức, đối tượng triển khai.

Về mức phí kiểm tra khí thải, theo tính toán trước đây của Bộ GTVT, người dân có thể chỉ mất 35.000 đồng/lần/năm. Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết chi phí kiểm định khí thải chính thức tới đây sẽ không đáng kể, và việc kiểm định khí thải cũng rất đơn giản, chỉ mất vài phút. Với lộ trình thích hợp, việc này sẽ không gây nhiều xáo trộn cho người dân và xã hội.