Chị Lê Thị Ngọc Lý, một tiểu thương bán trái cây ở Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết mít đỏ của Malaysia là ngon nhất, lúc nào cũng thiếu hàng cho khách. Lý giải điều này, chị cho hay loại mít này chưa được trồng phổ biến ở nước ta, số lượng cung ứng ra thị trường chưa nhiều mà nhu cầu của khách nhiều nên không thể đáp ứng.

“Trên thị trường, mít ruột đỏ rất nhiều. Tuy nhiên, số lượng những trái mít đỏ Malaysia đạt chuẩn lại rất ít. Người dùng sẽ không phân biệt được, chỉ có những người sành ăn mới phân biệt đâu là loại mít đạt chuẩn và loại mít lai”, chị nói.

{keywords}
Mít ruột đỏ Malaysia khiến chị em mê mẩn trong thời gian gần đây.

Sự khác biệt lớn nhất đó là vị của chúng. Với mít đỏ Malaysia đạt chuẩn, múi của chúng đỏ, giòn, ăn rất ngon, ngọt, thơm mùi mật hòa lẫn vị sầu riêng, cà phê sữa... Còn loại mít lai, múi của chúng màu cam cam nhưng ăn không giòn mà mềm mềm, xơ có màu trắng, mùi vị không có gì đặc biệt. Bên cạnh đó, một số loại mít đỏ giống ở Malaysia nhưng trồng không đúng quy chuẩn cũng không cho trái thơm, ngon.

Để phân biệt được, người phải thật sành ăn và có kinh nghiệm về mít mới nhận biết được bằng mắt thường. Còn lại, người bình thường chỉ thấy sự khác biệt của các loại mít qua vị giác. Vì thế, khách hàng muốn mua được loại mít đỏ đạt chuẩn phải tìm nơi uy tín.

{keywords}
Theo người bán, mít ăn rất giòn, ngọt và có vị đặc biệt mà không giống mít nào có được.

Theo chị, mít đỏ Malaysia đạt chuẩn giá lúc nào cũng cao, bán theo quả từ 90.000 – 160.000 đồng/kg, còn lột múi sẵn sẽ bán giá từ 200.000 – 350.000 đồng/kg. Sau 3 năm bán mít, chị nhận thấy giá mít đạt chuẩn này chỉ tăng chứ không giảm nhưng hàng lúc nào cũng thiếu. Khách muốn mua đều phải đặt trước.

Trong khi đó, loại mít ruột đỏ khác giá rẻ hơn một nửa, chỉ từ 50.000 – 80.000 đồng/kg (bán theo quả). Giá của loại mít này giảm qua từng năm và số lượng cung ứng ra thị trường cũng nhiều hơn, khách mua không cần đặt trước và đợi ngày lấy.

{keywords}
Mỗi kg mít được bóc tách múi riêng lên đến 350.000 đồng/kg.

Một người bán mít ruột đỏ ở TP.HCM cũng cho biết loại mít đỏ Malaysia được rất nhiều người ưa chuộng vì vị của chúng rất đặc trưng, khác hẳn với các giống mít khác. Sau vài năm tìm hiểu và lựa chọn, chị mới chỉ tìm thấy một vườn duy nhất ở TP.HCM trồng giống mít này đạt chuẩn. Và nhà vườn này chỉ có khoảng 20-30 gốc mít đỏ.

Theo đó, loại mít này chỉ kéo dài khoảng 2 tháng là hết, mỗi tuần nhà vườn này chỉ thu hoạch được từ 30-80kg mít chín và bán lại cho thương lái. Sở dĩ loại mít này có giá cao, chị lý giải là vì giống mít này trồng phải theo một quy chuẩn nhất định mới cho ra trái mít ngon, hơn nữa tỷ lệ đậu quả thấp không bằng mít thông thường.

Khách muốn mua mít thường phải đặt trước vì hàng không sẵn có. “Mỗi quả nặng từ 3-15kg. Với những quả nhỏ, mình bán theo quả, còn những quả lớn thì cắt miếng và bán. Khách thường mua theo quả nhiều hơn để dễ vận chuyển, những người mua theo miếng chủ yếu là tò mò, muốn ăn thử xem như thế nào”, người bán này chia sẻ.

{keywords}
Dù giá cao, loại mít này luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Loại mít ruột đỏ chủ yếu được bày bán trong TP.HCM, ngoài Hà Nội loại mít này chưa xuất hiện nhiều. Vì vậy, những người mua đều phải đặt trước và đợi mới có hàng. Chị Ngọc Ánh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết bản thân đặt hàng của một người bán qua mạng đã 2 ngày vẫn chưa có hàng.

“Mình thấy họ bán trên mạng thì gọi điện đặt hàng để họ vận chuyển tới.  Nhưng 2 ngày nay, mình vẫn chưa nhận được đơn. Mình có gọi hỏi lý do thì họ bảo mít ruột đỏ đang thiếu hàng, phải đợi đợt sau mít chín họ sẽ gửi”, chị nói.

Trong khi đó, mít thường (mít mật, mít dai) phổ biến ở nước ta, muốn ăn là có thể mua dễ dàng ngoài chợ, vỉa hè Hà Nội. Giá chỉ khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với loại mít ruột đỏ trên.

Theo tìm hiểu, mít ruột đỏ Malaysia được trồng chủ yếu ở khu vực phía Nam nước ta. Tuy nhiên, số lượng người trồng giống mít này chưa nhiều, nguồn cung vẫn chưa đủ cầu. Hiện, các cây giống mít đỏ Malaysia được bày bán tràn lan trên mạng thu hút người mua, giá 1 cây dao động khoảng 50.000 – 150.000 đồng.

(Theo Dân Việt)