Khi Steve Jobs chính thức giới thiệu iPad hồi cuối tháng 1, ông đã cất tiếng hỏi cử toạ bên dưới :"Liệu có còn chỗ cho một hạng mục thiết bị chen giữa laptop với smartphone hay không?". Câu trả lời là "Có". Dù những lời ý kiến ban đầu chỉ trích iPad chỉ là iPhone cỡ lớn, lượng máy iPad tiêu thụ vẫn đạt hơn 7 triệu chiếc tính đến hết tháng 10. Sau khi tiến vào kỷ nguyên máy tính cá nhân với Apple II, thay đổi ngành công nghiệp nhạc số với iPod và thị trường điện thoại bằng iPhone, Apple đã giúp mở ra một thị trường mới. Samsung, Toshiba, Acer, HP, Dell đều phải vắt chân lên cổ để tung ra những mẫu tablet của riêng mình và chắc chắn, Triển lãm CES 2011 sẽ là một đại tiệc của máy tính bảng.
Hãng nghiên cứu Gartner dự đoán doanh số tablet toàn cầu trong năm 2011 sẽ đạt 54,8 triệu máy và máy tính bảng sẽ thay thế khoảng 10% máy tính cá nhân toàn cầu vào năm 2014.
2. Microsoft chơi trò đuổi bắt với Windows Phone 7
Tính đến tháng 11, khi bắt đầu bày bán Windows Phone 7, thị phần của Microsoft trên thị trường smartphone nóng bỏng đã giảm xuống còn vẻn vẹn 2,8%. Không quá đặt nặng vấn đề tiền bạc, nhưng để duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại và để tìm lại chỗ đứng trên một thị trường từng có thời mình làm mưa làm gió, Microsoft tuyệt vọng cần tới một sản phẩm "hit".
Riêng trong quý III vừa qua, doanh số ĐTDĐ toàn cầu đã đạt 417 triệu chiếc, so với doanh số dự đoán 352 triệu cả năm của PC. Hạng mục smartphone hiện chiếm khoảng 20% tổng số điện thoại bán được và tại các thị trường mới nổi, hơn 90% số người trong độ tuổi 18-27 coi điện thoại là phương tiện truy cập Internet chủ đạo.
WP7 tạo sự khác biệt với các hệ điều hành đối thủ bằng cách phân loại ứng dụng, dịch vụ và nội dung Web, đồng thời việc tích hợp Office toàn diện mang một ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với giới doanh nhân. Nhưng với việc điện thoại iPhone và Android vẫn đang nở rộ, BlackBerry là sự lựa chọn số một trong giới doanh nghiệp thì Microsoft còn cả một đỉnh núi cao trước mặt.
3. Verizon khai trương mạng LTE - công nghệ của thế hệ mới
Việc Verizon Wireless chính thức
khai trương mạng LTE tốc độ cao tại 38 thành phố của Mỹ đánh dấu một cột
mốc quan trọng, khi công nghệ không dây thế giới mới, được ấp ủ từ lâu
này cuối cùng đã trở thành hiện thực. Trên phạm vi toàn cầu, riêng
trong tháng trước, Vodafone tại Đức, Telenor và Tele2 tại Thuỵ Điển, NTT
DoCoMo của Nhật đều công bố giá dịch vụ LTE. Cùng lúc ITU tuyên bố công
nghệ duy nhất đủ điều kiện để được gọi là 4G là phiên bản LTE sắp ra mắt
có tên LTE-Advanced. Trên lý thuyết, LTE có thể cho phép đạt tới tốc độ
download 5M/giây.
4. HP sa thải Hurd nhưng vở kịch ban lãnh đạo vẫn chưa hạ màn
HP đã gây sốc cho cả thế giới công
nghệ hồi đầu tháng 8 khi thông báo Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Mark
Hurd đã từ chức, sau khi bị điều tra vì tội có quan hệ tình dục với một
cựu nhà thầu có quan hệ với HP. Dù Hurd không phá vỡ chính sách tình dục
của HP nhưng ông này đã vi phạm các quy chuẩn của việc đấu thầu.
Hurd bước lên ngôi vương tại HP sau
khi Ban lãnh đạo hãng này sa thải bà Carly Fiorina năm 2005. Hurd đã dẫn
dắt HP đánh bại IBM để trở thành tập đoàn IT lớn nhất thế giới. Hurd
cũng mang lại nhiều kết quả kinh doanh tuyệt vời cho HP, song có vẻ như
các phương pháp cắt giảm chi phí tàn khốc và nghiệt ngã của ông đã tạo
ra rất nhiều kẻ thù. Để thay thế Hurd, HP đã bổ nhiệm Leo Apotheker.
5. Google tại Trung Quốc
Tình thế của Google tại Trung Quốc
trong năm qua đã cho thấy chuyện gì có thể xảy ra khi một thế lực hùng
mạnh của mạng Internet vấp phải một chính phủ cứng rắn, không khoan
nhượng và không biết đến ngoại lệ.
Tháng 1, Google tuyên bố đã xảy ra
một vụ tấn công cực kỳ tinh vi và có chủ đích rõ ràng nhằm vào cơ sở hạ
tầng của hãng, xuất phát từ Trung Quốc và khiến cho một số sở hữu trí
tuệ bị đánh cắp. Google cho biết những kẻ tấn công đã nhằm vào tài khoản
Gmail của các nhà hoạt động nhân quyền tại Trung Quốc và sẽ bất chấp yêu
cầu từ phía Bắc Kinh, ngừng giám sát các kết quả tìm kiếm từ đây.
Đến tháng 3, Google bắt đầu tự động
điều hướng truy cập vào trang web tại Trung Quốc sang website tại Hồng
Kông, nơi cung cấp kết quả tìm kiếm sạch, không bị theo dõi. Động thái
này đã chọc giận các quan chức Trung Quốc và đe doạ việc gia hạn giấy
phép hoạt động của gã khổng lồ tại Đại lục.
Để xoa dịu Trung Quốc, thay vì tự
động điều hướng, Google đã quyết định "gửi" khách truy cập vào một trang
riêng với dịch vụ hạn chế, từ đây, họ có thể chọn click vào đường link
dẫn tới website ở Hồng Kông. Sự nhượng bộ này đã giúp Google có giấy
phép mới.
6. Phối hợp quốc tế phá vỡ đường dây botnet Zeus
Chỉ trong vòng vài ngày cuối tháng
9, nhà chức trách Anh, Mỹ và Ukraina đã bắt giữ hơn 100 người có liên
quan đến một đường dây tội phạm chuyên khai thác mạng botnet Zeus.
Trojan Zeus sử dụng phần mềm theo dõi bàn phím để đánh cắp thông tin tài
khoản ngân hàng trực tuyến của người dùng. Cảnh sát cho biết nhờ Zeus,
bọn tội phạm trên đã bỏ túi hơn 200 triệu USD. Những kẻ bị bắt tại
Ukraina được cho là đầu sỏ công nghệ của băng đảng, còn những kẻ bị bắt
tại Anh và Mỹ có nhiệm vụ tạo tài khoản mới bằng hộ chiếu và tên giả,
cũng như nhận tiền chuyển tới từ tài khoản các nạn nhân.
Vụ Zeus cho thấy sự hợp tác quốc tế
là hết sức cần thiết để chống lại các băng nhóm lừa đảo xuyên lục địa.
7. Google Street View gây tranh cãi về riêng tư cá nhân
Tháng 5, Google thừa nhận họ đã cố ý
ghi lại dữ liệu truy cập Web từ các mạng Wi-Fi không được bảo mật. Những
dữ liệu này được truyền về từ các ô tô Street Views trong quá trình
chúng di chuyển quanh các thành phố, thị trấn, tiến hành chụp ảnh để
phục vụ cho những dịch vụ như Google Maps. Ô tô Street View có nhiệm vụ
ghi lại SSID, tức tên các mạng Wi-Fi cũng như địa chỉ MAC, nhưng cuối
cùng, họ còn âm thầm lưu cả email và website mà người dùng từng ghé thăm.
Tiết lộ này lập tức gây nên một làn
sóng phản đối tại Mỹ, châu âu và châu Á. Đơn kiện đã được gửi về
California, Washington, Oregon, Illinois, Massachusetts. Các cuộc điều
tra cũng đã được nhà chức trách Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Ý và Pháp tiến hành.
Cũng vì scandal này mà Google phải hoãn việc khai trương Street View tại
một số thành phố. Ngoài Google, trong năm qua một số gã khổng lồ online
như Facebook cũng vướng vào các scandal quyền riêng tư cá nhân tương tự.
8. Trung Quốc tuyên bố đoạt vương miện siêu máy tính
Cuối tháng 10, Trung Quốc công bố
một siêu máy tính sử dụng hàng ngàn chip đồ hoạ và có thể đạt tới tốc độ
2,5 petaflop. Đến giữa tháng 11, danh sách Top 500 siêu máy tính đã
khẳng định chính thức: Siêu máy tính Thiên hà - 1A của Trung Quốc đứng
đầu bảng. Đứng ở vị trí thứ hai là hệ thống Jaguar của Bộ Năng lượng Mỹ
với tốc độ 1,75 petaflop. Cuộc đua vươn tới trình cao mới của siêu máy
tính ngày càng nóng khi Trung Quốc tuyên bố đến năm 2015, họ sẽ xây dựng
tối thiểu một hệ thống có tốc độ 50-100 petaflop và trong khoảng thời
gian từ 2016-2020, sẽ xây một hệ thống đạt tới tầm exaflop (1 exaflop
nhanh gấp 1000 lần so với petaflop).
9. Ngành công nghiệp công nghệ phục hồi trở lại
Sau khởi đầu suôn sẻ hồi đầu năm, cổ
phiếu công nghệ đã giảm giá trong gần hết quý III khi nỗi lo sợ về mức
suy thoái hai con số ám ảnh giới đầu tư. Nhưng các doanh nghiệp công
nghệ đã công bố kết quả kinh doanh mạnh mẽ, khiến cho thị trường sau
ngày Lao động (tháng 9) khởi sắc. Lấy thí dụ, Apple và Intel đều đạt
doanh thu và lợi nhuận kỷ lục, trong khi Microsoft công bố doanh số tiêu
thụ cao chưa từng có.
Đến tháng 11, cổ phiếu công nghệ đã
tăng trở lại mức của cách đây 2 năm, trước khi phố Wall chao đảo vì sự
sụp đổ của ngân hàng Lehman Brother. Nhiều vụ thâu tóm, sáp nhập quy mô
lớn đã diễn ra, cho thấy một thị trường năng động nơi các doanh nghiệp
rủng rỉnh, nhiều tiền sẵn sàng móc túi để mở rộng danh mục sản phẩm của
mình. Có thể kể ra vụ Intel mua lại McAfee với giá 7,68 tỷ USD, HP mua
lại ArcSight với giá 1,5 tỷ USD và IBM mua lại Netezza trong một thương
vụ trị giá 1,7 tỷ USD. Giờ đây, câu hỏi đặt ra là liệu thị trường việc
làm có đủ cải thiện để thúc đẩy sức chi công nghệ trở lại mức trước suy
thoái hay không.