Xã Cao Bồ, Hà Giang là quê hương của rừng chè Shan Tuyết hàng trăm năm tuổi ở vùng cao Hà Giang. Tuy nhiên do địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, nên cuộc sống người dân nơi đây có lúc “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”.

“Không ai biết những cây chè cổ này xuất hiện tự bao giờ nhưng ước tính tuổi đời của chúng lên tới 300-400 năm, thậm chí có cây chè 500 năm tuổi. Vì thế, họ gọi những cây chè cổ là “lộc trời” ban cho người Dao ở vùng biên viễn này”, ông Lý Quốc Hưng Chủ tịch UBND xã Cao Bồ chia sẻ.

{keywords}
Gần như 100% các hộ dân trong xã Cao Bồ đều trồng chè.

Trước đây, người dân Cao Bồ chưa tận dụng được sự ưu đãi của thiên nhiên nên quanh năm suốt tháng trồng lúa, hoa màu nhưng vẫn không đủ ăn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, nhiều gia đình đã thay đổi tư duy nông nghiệp, tìm ra cây chủ lực để trồng. Đó chính là cây chè, thảo quả và dược liệu, nhưng quan trọng nhất vẫn là chè. 

Gần như 100% các hộ dân trong xã Cao Bồ đều trồng chè. Thôn Cao Bồ hiện có khoảng 700 – 800ha chè cho thu hoạch, mỗi năm ba vụ. Cao Bồ có hai loại chè chính, gồm: Chè vùng cao với tỷ lệ đường lớn hơn và chè vùng thấp với nhiều chất tanin hơn, khi uống vào sẽ có vị chan chát rất đặc thù. Cả hai loại này đều có mức tiêu thụ rất lớn. 

{keywords}
Nhờ cây chè người dân vùng sâu, vùng xa có công ăn việc làm thường xuyên, có thu nhập giúp xóa đói, giảm nghèo, đời sống được cải thiện.

Từ là cây xóa đói giảm nghèo, giờ đây chè Shan Tuyết Cao Bồ đã và đang trở thành một trong những thương hiệu nông sản uy tín, được người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết đến. Nhờ đó người dân Cao Bồ có công ăn việc làm thường xuyên, có thu nhập giúp xóa đói, giảm nghèo, đời sống được cải thiện.

Thời điểm tháng Hai, tháng ba âm lịch, chè Cao Bồ được bán với giá 60.000 đồng/kg. Bình quân mỗi gia đình, thu nhập từ trồng chè khoảng 42 - 43 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình thu nhập cả trăm triệu đồng sau khi đã trừ chi phí chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và vận chuyển. Nhờ đó, người dân địa phương từng bước thoát nghèo hiệu quả.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Trong nhiều năm qua, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao, triển khai thực hiên Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình phân phối nguồn vốn từ chương trình CPRP và Chương trình 135…. Trong các chương trình hành động quốc gia, Đảng và Nhà nước luôn xác định đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác giảm nghèo bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách để giúp cho đồng bào có cuộc sống tốt hơn, để “không ai bị bỏ lại phía sau”, để vùng núi tiến kịp vùng xuôi.

{keywords}
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ảnh minh họa

Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi. 

Riêng Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình 135 (dự án 2) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Địa bàn thực hiện Chương trình là các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn với 2.138 xã và 3.973 thôn. 

Kết quả giảm nghèo nói chung và giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng đạt được nhiều thành tựu, được quốc tế ghi nhận, là điểm sáng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, tạo ra sự thay đổi diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nhờ đó mà đời sống của đồng bào Mông ở Hà Giang nói riêng và nhiều vùng sâu vùng xa khác đang có những biến chuyển tích cực.

Thêm một tin vui, chiều 9/11/2020, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết dự kiến đầu tư 1.400 tỷ đồng để thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo Phó Thủ tướng, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm ban hành chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chính phủ đã xây dựng Nghị quyết số 12 để triển khai.

“Có thể nói, đây là một quyết sách ý Đảng, lòng dân nhằm mục tiêu là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Làm thế nào để nâng cao dân trí, nâng cao khả năng, tạo công ăn việc làm, tiếp cận với các kỹ năng lao động, sản xuất ngành nghề, nhất là đào tạo một lớp trẻ, xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế,...”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, dự kiến số vốn đầu tư thực hiện Đề án là 1.400 tỷ và thời gian thực hiện được chia ra làm hai kế hoạch 5 năm, từ 2021-2026 và 2026-2030.

Để thực hiện Đề án, Phó Thủ tướng cho biết giải pháp thứ nhất là nghiên cứu xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2030.

“Như vậy, xác định đây là một trong ba Chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ đã chuẩn bị tích cực, bố trí đủ nguồn vốn theo tiến độ, về cơ bản sẽ triển khai thực hiện ngay từ năm 2021, các chỉ tiêu đưa ra trong chương trình mục tiêu quốc gia thấp hơn so với Nghị quyết 88 của Quốc hội vì Nghị quyết xác định thực hiện 10 năm, chương trình mục tiêu quốc gia xác định là 5 năm 2021-2025. Phần còn lại tiếp theo cho kế hoạch 5 năm sau là 2026-2030. Do vậy, kết thúc năm 2030 cơ bản sẽ đạt được mục tiêu của Quốc hội đã xác định”, Phó Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội.

Đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng, trong tương lai gần, sẽ có thêm những câu chuyện vui như chúng tôi đã mắt thấy tai nghe ở nơi địa đầu tổ quốc- minh chứng sống động về nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người ở những nơi vùng sâu vùng xa.

Hải Văn