Millennials là thế hệ những người sinh ra trong giai đoạn 1980 đến 2000, không có khoảng cách giữa công việc và tận hưởng, làm và chơi. Họ không ngần ngại về những chuyến công tác, thường xuyên đi du lịch hoặc di chuyển nơi làm việc.
Hơn bất cứ điều gì khác, họ luôn tìm kiếm sự trải nghiệm và hạnh phúc khi được hòa nhập vào cộng đồng. Động lực này thôi thúc vị CEO trẻ tuổi tìm kiếm và phát triển một dự án khởi nghiệp, mục tiêu phải trở thành số một thị trường.
Nguyễn Văn Dũng đã nảy ra ý tưởng: tạo ra một nền tảng trực tuyến kết nối các chủ nhà với người có nhu cầu thuê nhà trong ngắn hạn. Theo ông Dũng, homestay đang là xu hướng trên thế giới. Thậm chí tại một số quốc gia, thị phần của loại hình homestay còn vượt qua cả khách sạn truyền thống. Do đó, Việt Nam chắc chắn không nằm ngoài xu thế này.
Starup tiêu biểu năm 2018 |
Còn Nguyễn Khôi lại chọn hướng đi khác khi tận dụng các phòng tập. Ý tưởng ra đời ứng dụng xuất phát từ chính bản thân Khôi. “Làm việc trong môi trường khởi nghiệp thường không có giờ giấc cố định, thường xuyên di chuyển trong khi mô hình các phòng tập cũ bị ràng buộc về mặt địa điểm. Đó là lúc chúng tôi nghĩ về một mô hình có thể dỡ bỏ các rào cản của phòng tập truyền thống”, Khôi cho hay.
Theo ước tính của WeFit, thị trường phòng tập ở Việt Nam có quy mô khoảng 300 triệu USD năm 2018, dù khá khiêm tốn nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm là hai con số. Ứng dụng không sở hữu bất cứ phòng tập nào nhưng thành viên của công ty có thể sử dụng hơn 600 phòng tập trên toàn quốc.
Tham vọng cạnh tranh trong lĩnh vực đặt xe, Nguyễn Hữu Tuất xác định không đối đầu với taxi truyền thống mà coi họ là đối tác để gia tăng lợi ích cho khách - đây đang là bước đi khôn ngoan của Tuất. Ứng dụng này hướng đến nhóm khách hàng trẻ, muốn trải nghiệm các dịch vụ mới. Chiến lược quan trọng là cung cấp ngược trở lại công nghệ và khách hàng cho các taxi truyền thống.
"Ứng dụng còn nhận được sự ủng hộ rất lớn về tinh thần từ các khách hàng, doanh nghiệp, giới truyền thông vì mang lại giá trị cho người Việt, thực hiện ý chí và tinh thần dân tộc của người Việt, tiên phong giành lại thị trường trên sân nhà”, CEO FastGo cho hay.
Năm 2018, các startup trẻ này đã khá thành công khi gọi được số vốn lên tới triệu đô. WeFit gọi vốn một triệu USD trong vòng đầu tư pre-series A tiếp theo từ CyberAgent Capital và một số quỹ đầu tư thiên thần khác. Năm 2017, Wefit đã được quỹ đầu tư ESP Capital, VIISA rót vốn.
Tương tự, Luxstay vừa gọi thành công khoản tiền 3 triệu USD từ quỹ CyberAgent và các nhà đầu tư khác. CyberAgent Ventures đang giúp Luxstay trong việc vận hành cấu trúc nội bộ và đã khởi xướng cho vòng đầu tư lần này. Quỹ Nhật này cũng lần đầu đầu tư vào Luxstay hồi năm ngoái.
Deal Street Asia đưa tin FastGo Việt Nam đang gọi vốn 50 triệu USD và họ muốn hoàn tất vòng gọi vốn trong quý I năm 2019. Sau khi hoàn tất quá trình gọi vốn 50 triệu USD, ứng dụng gọi xe FastGo sẽ nỗ lực gia tăng thị phần và mở rộng hệ sinh thái dịch vụ trong cuộc đua với Grab và Go-Viet.
Tài chính - thách thức của startup Việt
Thách thức với thị trường start-up Việt Nam hiện chính là thị trường tài chính: sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam còn rất ít. Ngay trên sân nhà, những startup này đang phải đấu với những đối thủ lớn. Nếu các startup Việt Nam không có sản phẩm chất, họ dễ bị các startup đến từ nước ngoài đè bẹp.
Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp bước vào năm thứ 5, thứ 6 nhưng vẫn đang tồn tại, chưa thể khẳng định là họ thất bại. Song, sự dịch chuyển hay thay thế của công nghệ mới đối với công nghệ trước đó là xu thế mà nếu không kịp có sáng tạo và đổi mới thì nguy cơ thất bại rất cao.
Hàng tháng, lại thấy có những startup lặng lẽ đóng cửa hoặc tạm ngưng dịch vụ để cải tiến trong khi mới vài tháng trước đó họ còn mang sản phẩm đi giới thiệu ở các cuộc thi hay các hội chợ.
FastGo xác định đối thủ lớn nhất hiện nay là Grab. Trước khi FastGo ra mắt, Grab chiếm khoảng 98% thị phần tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại, ứng dụng Việt này đã giành 10% thị phần.
Startup Việt cạnh tranh khốc liệt |
Hai năm trước, Airbnb chỉ mới giới thiệu chừng vài ngàn phòng thuê, tập trung tại những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Đến nay, theo số liệu cung cấp bên lề sự kiện công bố Khảo sát khách sạn Việt Nam năm 2018, hiện đã có hơn 16.000 phòng cho thuê theo ứng dụng này tại Hà Nội và TP.HCM. Số chỗ này bằng tổng số phòng của hệ thống khách sạn từ 2-4 sao của TP.HCM, một trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước.
Nhiều chuyên gia và chủ khách sạn, đặc biệt là khách sạn có quy mô nhỏ lo ngại, nếu phát triển với tốc độ này thì trong thời gian không lâu nữa, những chủ nhà cho thuê phòng qua ứng dụng Airbnb sẽ là một đối thủ lớn với các khách sạn truyền thống.
Cho đến nay, WeFit là hệ thống đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam nhưng xét ở bức tranh toàn cầu đang xếp cùng hạng mục với một công ty của Malaysia và Mỹ. Trong thế giới các startup công nghệ, việc mở rộng thị trường gần như là câu chuyện tất yếu. Khôi mong rằng sẽ có nhiều đối thủ tham gia trong thời gian tới để đẩy thị trường này đi nhanh hơn vì lợi ích chung của người Việt Nam.
Với sự xuất hiện của rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm cả trong và ngoài nước, gọi vốn thành công khi mới chỉ ở giai đoạn đầu của hành trình khởi nghiệp không phải là không thể. Thậm chí, chỉ cần ý tưởng tốt, các quỹ sẽ đứng ra bảo trợ dự án cho bạn từ lúc sơ khai tới khi thành công.
Shark Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc quỹ đầu tư Cyberagent Việt Nam và Thái Lan, cho rằng "startup cần nhìn thấy nhà đầu tư không chỉ mang đến tiền mà còn là hợp tác chiến lược". Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa gọi vốn từ các quỹ đầu tư và gọi vốn cộng đồng hay ICO. Cụ thể, nhà đầu tư có thể trở thành một nhà tư vấn chiến lược song hành, hỗ trợ các nhà sáng lập startup nhìn thấy bức tranh lớn hơn trên con đường kinh doanh.
Ngoài ra, quá trình đàm phán với nhà đầu tư cũng mang đến cho startup nhiều góc nhìn hữu ích để hoàn thiện chiến lược kinh doanh. Shark Nguyễn Xuân Phú khuyên startup hãy "tiếp nhận ý kiến từ nhà đầu tư cũng như lắng nghe dịch vụ của khách hàng, tổng hợp các quan điểm, nhận định trái chiều thành chất liệu để hoàn thiện dự án kinh doanh tốt hơn".
Với những thành công ban đầu, không chỉ tham vọng phủ sóng mạnh mẽ ở thị trường trong nước, CEO Nguyễn Hữu Tuất đã mang ứng dụng này ra nước ngoài và Đông Nam Á là thị trường đầu tiên mà FastGo muốn đánh chiếm.
Trong tương lai không xa, vị CEO sinh năm 1989 còn hướng tới việc liên kết với OTA, các đại lí du lịch truyền thống tại Việt Nam để tiếp cận thị trường du lịch. Sắp tới, Luxstay sẽ tiếp tục huy động vốn để mở rộng thị trường. Ông Dũng kì vọng, Luxstay sẽ không chỉ dừng lại ở Việt Nam, mà còn vươn tầm châu Á.
Duy Anh