Theo Amusing Planet, 'miếng thịt ba chỉ kho tàu' với lớp mỡ óng ánh này thực chất là một tác phẩm điêu khắc tinh xảo của một nghệ nhân ẩn danh dưới triều nhà Thanh trong thế kỷ 19. Được thế giới biết tới với tên gọi "Meat-Shaped Stone" (Phiến đá hình miếng thịt), tác phẩm được làm từ đá thạch anh jasper cao 5 cm này là bảo vật được đánh giá cao nhất ở Bảo tàng Cung điện Quốc gia Đài Loan trong suốt hơn 200 năm qua.

 

Điều làm cho tác phẩm nghệ thuật này trở nên đặc biệt là đường nét tự nhiên của phiến đá trông giống hệt như một miếng thịt lợn, với các lớp được hình thành do sự tích tụ của các tạp chất khác nhau. Người nghệ nhân đã tận dụng điều này và chạm khắc phiến đá tìm được với độ chính xác cao. Thậm chí, du khách có thể dễ dàng nhận thấy những chi tiết rất nhỏ như các lỗ chân lông, các nếp nhăn và vết lõm trên phần da của "miếng thịt" đặc biệt này. Sau đó, đá tiếp tục được nhuộm màu để tạo ra vẻ ngoài chân thực nhất có thể.

{keywords}
Tác phẩm được nghệ nhân chăm chút tỉ mỉ tới từng chi tiết

Tác phẩm này được cho là mô phỏng lại món thịt lợn Dongpo nổi tiếng hay còn được biết tới với tên gọi là "Thịt kho Tàu", được một nhà thơ của Trung Quốc là Su Dongpo nghĩ ra vào thế kỷ 11. Truyền thuyết kể lại rằng, trong lúc đang làm món thịt lợn hầm thì ông Su có bạn ghé qua rủ chơi cờ tướng. Vì quá mải mê tỉ thí cùng bạn mà ông đã hoàn toàn quên mất món ăn mình đang nấu dở khiến phần nước hầm thịt trở nên đặc quánh và từ đó món "thịt kho Tàu" ra đời.

{keywords}
Hai bảo vật chạm khắc từ đá được đánh giá cao nhất ở bảo tàng National Palace

Bên cạnh "miếng thịt" tinh xảo, bảo tàng National Palace còn có một tuyệt tác hình đồ ăn khác chính là "cây cải thảo Jadeite". Đây là tác phẩm được chạm khắc từ một tảng ngọc bích duy nhất và tận dụng triệt để màu sắc tự nhiên nửa trắng, nửa xanh vốn có. Nhiều điểm không hoàn hảo trên đá như các vết nứt và vết ố màu cũng được người nghệ nhân đưa vào tác phẩm điêu khắc và biến chúng thành những đường gân trên thân và lá của "cây cải thảo" đặc biệt này.

{keywords}
Người Trung Quốc tin rằng ngọc tượng trưng cho sự tinh khiết, vẻ đẹp và trường thọ

Việc chạm khắc ngọc bích và đá cẩm thạch Jadeite được cho là đã có từ thời tiền sử. Trong nghệ thuật Trung Quốc, ngọc bích được sử dụng ở nhiều loại hình nghệ thuật trang sức, chạm khắc và các loại hình điêu khắc khác. Một lý do quan trọng khiến các đồ vật chạm khắc bằng ngọc luôn được đánh giá cao từ trước tới nay, là vì người Trung Quốc tin rằng ngọc tượng trưng cho sự tinh khiết, vẻ đẹp, tuổi thọ và thậm chí là sự bất tử. Ngoài ra, những người thợ điêu khắc ngọc bích thường đánh giá những phiến đá dựa vào màu sắc và sắc thái lấp lánh, trong mờ của nó.

{keywords}
Một số giả thuyết cho rằng tác phẩm này là quà cưới của hoàng đế nhà Thanh

Việc chạm khắc ngọc bích thành cải thảo khá phổ biến vào giữa và cuối triều đại nhà Thanh (từ năm 1644 đến năm 1912). "Cây cải thảo Jadeite" này ban đầu được trưng bày trong Cung điện Yong-he của Tử Cấm Thành, là nơi ở của phối ngẫu của Hoàng đế Quang Tự (Thanh Đức Tông) và Hiếu Định Cảnh Hoàng hậu.

{keywords}
Sự sum suê và hai con châu chấu ở ngọn lá tượng trưng cho khả năng sinh sản

Một số giả thuyết cho rằng tác phẩm này là một món quà hồi môn dành trong đám cưới bởi màu trắng của cải thảo được coi là biểu thị cho sự trong trắng của cô dâu, trong khi sự sum suê và hai con châu chấu ở ngọn lá tượng trưng cho khả năng sinh sản.

{keywords}
Bảo tàng National Palace còn có hàng nghìn cổ vật cho du khách khám phá, từ những lư đồng, đồ gốm đến tranh vẽ, tượng, giáp...

Bảo tàng National Palace nằm dưới chân một ngọn núi ở quận Sỹ Lâm, Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc). Đây là nơi trưng bày của hơn 697.000 hiện vật, một trong những bảo tàng lớn nhất trên thế giới về hoàng gia và nghệ thuật.