Theo ông Dương, trong chăn nuôi (lợn, gia cầm, bò...) kháng sinh được dùng với ba mục đích là kích thích tăng trưởng, phòng và trị bệnh. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận và cảnh báo việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, gây tồn dư trong thực phẩm, nhất là lo ngại “nhờn thuốc” trong điều trị bệnh.
Thưa ông, hiện Việt Nam cho phép sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi (TACN) ra sao, có gì khác với các nước?
Việt Nam đang cho phép sử dụng 43 hóa chất, kháng sinh trong sản xuất TACN với mục đích kích thích tăng trưởng; trong đó khoảng 20 loại được sử dụng phổ biến. Ở Mỹ cũng cho phép 45 loại kháng sinh, còn Trung Quốc là 55 loại... Tuy nhiên, đến nay, việc sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng nhiều nước trên thế giới đã cấm.
Chẳng hạn, châu Âu đã cấm từ năm 2006 (vẫn dùng kháng sinh phòng và trị bệnh, theo đơn do bác sĩ thú y). Tương tự, ở Nhật cũng bỏ từ năm 2009, Hàn Quốc năm 2010, Thái Lan từ tháng 7/2015… Ở Mỹ, dự kiến đến năm 2017 mới ngừng, trong khi Trung Quốc vẫn đang dùng và chưa thấy khuyến cáo gì.
Thực tế, ở những khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ, vệ sinh chăn nuôi kém như ở nước ta, không thể không dùng kháng sinh, vừa để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng, giúp con vật có sức khỏe tốt, giảm bệnh tật. Tất nhiên, xu thế là hạn chế sử dụng và tiến tới ngừng như các nước.
Ông có thấy việc sử dụng, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi ở Việt Nam đáng báo động?
Đúng là việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, kể cả khâu sản xuất TACN, phòng, trị bệnh (qua nước uống, tiêm) dẫn tới tồn dư kháng sinh trên thực phẩm rất đáng lo ngại. Hàm lượng nhiều loại kháng sinh trong TACN qua kiểm tra có nơi vượt mức cho phép nhiều lần.
Cùng đó, hiện tượng người chăn nuôi dùng kháng sinh không đúng thời gian cách ly trước khi giết mổ, thậm chí còn sử dụng kháng sinh ngoài danh mục, cấm sử dụng vào TACN khiến câu chuyện quản lý còn phức tạp, khó khăn hơn.
Thực tế, do tồn dư kháng sinh, nên một số sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chưa thể xuất khẩu. Nguyên nhân là sử dụng kháng sinh không đúng liều lượng, thời gian cách ly. Tất nhiên, dù không xuất khẩu, nhưng cũng phải siết vấn đề kháng sinh, vì người tiêu dùng Việt cũng cần được đảm bảo bữa ăn an toàn.
Hầu hết kháng sinh nước ta đều nhập khẩu, vậy khâu này quản lý thế nào để tránh vi phạm?
Thực tế, hiện cả Bộ Y tế và NN&PTNT đều tham gia nhập kháng sinh, sử dụng vào mục đích khác nhau. Ở lĩnh vực nông nghiệp, việc nhập khẩu kháng sinh phòng, trị bệnh do Cục Thú y quản lý, còn thức ăn bổ sung, chứa kháng sinh (5-10% kháng sinh) dùng trong thức ăn do Cục Chăn nuôi quản lý. Hằng năm, việc nhập khẩu này chúng tôi kiểm tra từng lô.
Vấn đề này, ngoài chất cấm, các địa phương phải thanh kiểm tra về vấn đề kháng sinh. Trước hết là kiểm tra từ thịt, trứng, sữa để truy xuất; các cơ sở sản xuất TACN, đại lý và các chuồng trại. Nếu phát hiện kháng sinh ngoài doanh mục, hoặc cấm phải xử lý nghiêm. Cũng có hiện tượng tuồn kháng sinh từ phía y tế sang, hoặc dùng loại hết hạn sử dụng cho chăn nuôi thực tế này cần tiếp tục điều tra, xác minh thêm.
Thưa ông, mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, đã yêu cầu phối hợp với ngành Y tế rà soát các loại kháng sinh nhập khẩu, đánh giá hàm lượng kháng sinh cho phép trên thực phẩm để cùng siết lại, kế hoạch trên đã triển khai thế nào?
Đến nay, Việt Nam chưa ban hành rõ ràng như vậy, nên việc quản lý kháng sinh giữa hai ngành có những điểm còn lúng túng.
Trong số 43 loại hóa chất, kháng sinh kích thích sinh trưởng cho phép sử dụng, Bộ Y tế hiện chỉ mới quy định 9 loại mức tồn dư tối đa cho phép trong thực phẩm. Hiện chúng tôi đang phối hợp với Bộ Y tế rà soát lại việc này, mục đích để đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời đảm bảo cho chăn nuôi phát triển.
Như ông nói, xu hướng là cắt giảm và hướng tới sẽ cấm sử dụng kháng sinh kích thích sinh trưởng. Vậy có giải pháp gì để hạn chế việc lạm dụng kháng sinh trong giai đoạn đó?
Kiểm soát và hạn chế lạm dụng kháng sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp phải làm trong năm nay. Do đó, trước mắt, sẽ rút dần trong số 43 loại hóa chất, kháng sinh được phép xuống khoảng dưới 20 loại, có quy định hàm lượng tối đa để quản lý chặt chẽ hơn. Dự kiến, đến năm 2020, Việt Nam sẽ ngừng sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi.
GS. TS Đậu Ngọc Hào, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam:
Nên cấm kháng sinh trên thủy sản, giảm bớt trong chăn nuôi
Với trên 40 loại kháng sinh kích thích tăng trưởng được nhập khẩu, sử dụng như hiện nay là quá nhiều, cần quản lý chặt, không để sử dụng tràn lan. Cần rà soát, cắt giảm, giữ lại khoảng 5 loại kháng sinh là hợp lý.
Các loại kháng sinh này, phải đảm bảo không đồng thời dùng trong y tế; lành tính, không bắt buộc thời gian cách ly trước khi giết mổ, hoặc yêu cầu mức tồn dư tối đa cho phép cao theo quy định của Codex và giá cả phải hợp lý.
Theo Tiền Phong,VTV