Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, lực lượng vũ trang và nhân dân miền Tây Nam Bộ đã kề vai, sát cánh cùng cả nước, lập nên những chiến công vang dội. Đã bảy thập niên trôi qua, nhưng ký ức lịch sử và những bài học kinh nghiệm của những năm tháng hào hùng ấy vẫn còn nguyên giá trị, tạo nguồn cảm hứng, động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nhân dân ta vừa được hưởng không khí tự do, độc lập chưa lâu, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp, núp dưới bóng quân Anh, nổ súng tiến công Sài Gòn; cả Nam Bộ nhất tề vùng lên kháng chiến. Để cứu vãn hòa bình, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình, tích cực đàm phán với Chính phủ Pháp; chúng ta đã nhân nhượng, nhưng “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”1. Sau khi chiếm được Sài Gòn - Gia Định, thực dân Pháp mở rộng chiến tranh ra cả nước. Sáng ngày 19-12-1946, Đài VMA của Nam Bộ đặt ở Chiến khu 9 nhận được điện của Trung ương: “Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước khí giới quân đội tự vệ và công an ta. Chính phủ đã bác tối hậu thư ấy. Như vậy, chỉ 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Chỉ thị của Trung ương: Tất cả hãy sẵn sàng!”. Đứng trước sự tồn vong của dân tộc, tối ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Lời Bác Hồ vang vọng núi sông, thôi thúc, tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng vũ trang và nhân dân miền Tây Nam Bộ phối hợp với cả nước, đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh địch rộng khắp. Trong những ngày hào hùng ấy, lực lượng vũ trang Chiến khu 8, Chiến khu 9 (nay là Quân khu 9) đã làm nên nhiều chiến thắng vang dội. Tại tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), ngày 22-01-1947, trên lộ Đông Dương (nay là quốc lộ 1A), lực lượng vũ trang Chiến khu 8 đã tổ chức trận phục kích giao thông, làm nên chiến thắng Cổ Cò, loại khỏi vòng chiến đấu 170 tên địch, phá huỷ 14 xe quân sự, thu 100 súng các loại. Đây là trận đánh lớn đầu tiên trên chiến trường Tây Nam Bộ, góp phần chặn đứng âm mưu bình định nông thôn của địch, thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích ở địa phương cũng như cả nước phát triển mạnh mẽ. Chiến công nối tiếp chiến công, đầu năm 1947, trên mảnh đất huyện Châu Thành, lực lượng vũ trang tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Hậu Giang) đã làm nên chiến công Tầm Vu 3, làm nức lòng quân và nhân dân cả nước. Đặc biệt, trên khu vực này, ta đã tổ chức 4 trận đánh lớn đều thắng lợi giòn giã, vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1948) mà khí thế hào sảng còn vang vọng với bài hát “Vang lừng chiến thắng Tầm Vu”.
Cùng với đẩy mạnh phục kích, chặn cắt giao thông, lực lượng vũ trang các tỉnh tích cực tổ chức chống địch càn quét, lấn chiếm, quyết tâm bảo vệ vùng giải phóng. Ngày 23-01-1947, ở Bến Tre, lực lượng chủ lực và dân quân du kích địa phương, dựa vào địa hình có lợi, đã đẩy lùi cuộc hành quân lấn chiếm của địch vào 3 xã: Tân Hào Đông, Thạnh Phú Đông, Long Mỹ, diệt đại bộ phận địch, phá hủy 1 xe thiết giáp, thu 150 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng. Tại Gò Công, đầu tháng 3-1947, địch tổ chức cuộc càn quy mô lớn vào cơ quan Tỉnh đội Gò Công đóng tại Long Thạnh. Bằng tinh thần chiến đấu ngoan cường, mưu trí, lực lượng vũ trang ta đã đẩy lùi các đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên, thu trên 100 súng các loại. Trận đánh là minh chứng hùng hồn: dù trang bị, lực lượng không cân sức, nhưng biết dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, với ý chí, quyết tâm cao, tinh thần chiến đấu quả cảm, sáng tạo, chúng ta có thể đánh bại các cuộc hành quân càn quét lớn của địch.
Trong khí thế quyết tâm chiến đấu của lực lượng vũ trang và nhân dân miền Tây Nam Bộ, ta càng đánh càng mạnh. Tại Vĩnh Long và Trà Vinh, lực lượng chủ lực phối hợp với lực lượng dân quân du kích chủ động mở các đợt tiến công, bao vây đồn bốt, tiêu “gian”, diệt “địch”, giải phóng một vùng rộng lớn dọc hành lang sông Tiền, sông Cổ Chiên và nhiều địa phương ở tỉnh Trà Vinh. Tại Cần Thơ, tháng 02-1947, Chi đội 22 tiến công và giải phóng đồn Cù lao Mây, diệt 35 tên địch, thu toàn bộ vũ khí. Sau này, nhân dân lấy tên người chỉ huy đã anh dũng hy sinh đặt tên cho cù lao này - Cù lao Lục Sĩ Thành. Với tinh thần “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương Khu 9 liên tiếp lập chiến công, viết nên những trang sử oai hùng, mang nét đặc sắc riêng của miền đồng bằng sông nước, góp phần quan trọng làm giảm áp lực trên tất cả các mặt trận, đập tan chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải phân tán, đối phó, không thể tập trung lực lượng đủ mạnh để giành thắng lợi quyết định trên chiến trường chính.
Kế thừa những giá trị bất diệt và tinh thần của những ngày toàn quốc kháng chiến, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, hơn bao giờ hết, lực lượng vũ trang Quân khu 9 tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần quật khởi của “Ngày toàn quốc kháng chiến”, tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu một cách toàn diện, vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tập trung trên một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu có bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy cao độ yếu tố chính trị - tinh thần, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, lực lượng vũ trang Quân khu còn non trẻ, tổ chức chưa chặt chẽ, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, vũ khí, trang bị thô sơ, lạc hậu: “Thuốc súng kém, chân đi không, nóp với giáo mang trên vai”, chiến đấu trong điều kiện không cân sức với đội quân nhà nghề được trang bị vũ khí hiện đại của địch. Nhưng với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, biết bao người con yêu quý của quê hương miền Tây Nam Bộ đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đó là sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta, tạo nên sức mạnh tổng hợp hơn hẳn đối phương để giành chiến thắng. Rõ ràng, thắng lợi quyết định trước hết không phải ở trang bị vũ khí, mà ở bản lĩnh chính trị của con người trên chiến trường. Vận dụng bài học đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi đắp ý chí chiến đấu, xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần cho bộ đội; không những phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà còn bổ sung những phẩm chất mới về bản lĩnh chính trị: kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước; kiên định mục tiêu, lý tưởng: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã sáng suốt lựa chọn. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm với truyền thống văn hóa: tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, lòng khoan dung, nhân ái, trọng nghĩa, thủy chung,... hồn cốt nhân văn của người dân miền Tây Nam Bộ. Bởi xét cho cùng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cũng bắt nguồn từ sức sống mãnh liệt của một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ: để có được thành quả hôm nay là biết bao mồ hôi, xương máu, trí tuệ của cha ông đã thấm đẫm trên mảnh đất này; từ đó, tạo động lực, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Trên chiến trường miền Tây Nam Bộ, với lòng dũng cảm và trí tuệ, lực lượng vũ trang Quân khu đã tìm ra nhiều cách đánh địch có hiệu quả: đánh du kích, phục kích, chặn cắt giao thông, tập kích đồn, bốt; sáng tạo ra cách đánh đặc công nước, đánh bằng thủy lôi, đắp cản ngăn tàu địch,... đạt hiệu quả chiến đấu cao. Đó là do chúng ta phát huy tốt nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân và khả năng khai thác, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị. Phát huy những bài học đó, Quân khu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác huấn luyện theo Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Công tác huấn luyện của các đơn vị trong Quân khu được đổi mới toàn diện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, cũng như yêu cầu tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; chú trọng diễn tập hiệp đồng quân - binh chủng, diễn tập cơ động và diễn tập khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu tác chiến mới. Trong huấn luyện, chú trọng huấn luyện kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng vũ khí, trang bị trong biên chế, nhất là vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại mới; tích cực truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, vận dụng sát thực tế đồng bằng vùng sông nước; gắn công tác huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy. Mặt khác, Quân khu phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, tăng cường tiềm lực quốc phòng, nhất là các khu vực trọng điểm về quốc phòng - an ninh, vùng biên giới, biển, đảo; phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Ba là, phát huy tinh thần tự lực tự cường, triệt để thực hành tiết kiệm, tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Hiện nay, khi nền kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn thì bài học này càng có ý nghĩa thiết thực. Theo đó, Quân khu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm; đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống bộ đội, góp phần giảm ngân sách nhà nước cho quốc phòng. Thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu, phát huy nội lực các doanh nghiệp của Quân khu; sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, đạt hiệu quả cao; gắn lao động sản xuất với sẵn sàng chiến đấu, kết hợp quốc phòng với kinh tế, giữ gìn môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, Quân khu đã phát huy nội lực, huy động được hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhiều công trình phúc lợi phục vụ đời sống bộ đội, mua sắm trang thiết bị để nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
Bốn là, tích cực tham gia công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. Trong chiến đấu cũng như trong xây dựng, lực lượng vũ trang Quân khu luôn được nhân dân, chính quyền địa phương trên địa bàn giúp đỡ, bảo vệ, chở che, đùm bọc. Đây là nguồn sức mạnh, nhân tố quan trọng bảo đảm cho lực lượng vũ trang Quân khu lập nên những chiến công, thành tích xuất sắc, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Trong điều kiện hiện nay, Quân khu tập trung đẩy mạnh công tác dân vận, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang Quân khu còn chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động giúp dân xóa đói giảm nghèo bền vững, đa chiều; xây dựng nông thôn mới; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững sự ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển toàn diện.
Những giá trị bất diệt của Ngày toàn quốc kháng chiến là động lực mạnh mẽ để lực lượng vũ trang Quân khu 9 tiếp tục phát huy truyền thống “Quân dân đoàn kết, kiên cường bám trụ, tự lực tự cường, anh dũng chiến đấu”, tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, xây dựng Quân khu vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Thiếu tướng HUỲNH CHIẾN THẮNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính ủy Quân khu 9
______________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 534.
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân