Trong quý 3 năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu phụ tải điện cũng giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020, đặc biệt tại các tỉnh phía nam. Sang tháng 10 năm, cùng với việc dịch đã được từng bước khống chế, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, khởi động lại nền kinh tế. Điều này cũng đặt ra thách thức mới cho ngành điện lực trong việc đảm bảo cung cấp điện cho đời sống dân sinh và phát triển kinh tế.

{keywords}
Nhà máy thủy điện Hòa Bình

Theo tính toán của ngành điện, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 là rất lớn. Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng điện 8,2% tương đương sản lượng điện 275,5 tỷ kWh. Với kịch bản cao, tăng trưởng điện 12,4%, tương đương sản lượng điện 286,1 tỷ kWh

Về cơ bản năm tới, hệ thống điện quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện. Tuy nhiên, cục bộ tại miền Bắc có thể tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất trong các ngày nắng nóng kéo dài. Qua tính toán, khu vực miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.500-2.400MW trong một số giờ cao điểm, thời tiết cực đoan.

Để chủ động đảm bảo cung ứng điện đầy đủ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và phòng chống bão lũ thiên tai các tháng còn lại của năm 2021, năm 2022 và các năm tiếp theo, ngày 19 tháng 10 năm 2021, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp cụ thể đảm bảo cung cấp điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân với ba nguyên tắc chính:

i) Bộ Công Thương, Tập doàn Điện lực Việt Nam (EVN) tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện;

ii) Bộ Công Thương chủ trì chỉ đạo EVN, các đơn vị điện lực trên cả nước và các đơn vị liên quan bám sát tăng trưởng nhu cầu điện, tình hình khôi phục và phát triển kinh tế để cập nhật dự báo phụ tải theo các kịch bản phụ tải cơ sở, kịch bản phụ tải phát triển cao trong điều kiện bình thường và điều kiện bất lợi nhất của năm 2022 và các năm tiếp theo để chỉ đạo, điều hành;

iii) EVN giữ vai trò chủ đạo, chịu trách nhiệm chính trong đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và các nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên, cùng với những giải pháp về bảo đảm nguồn điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực cung ứng năng lượng, cải thiện hiệu quả của nền kinh tế.

Duy Khánh