Microsoft đang mở nhiều trung tâm dữ liệu mới tại Đức để khách hàng châu Âu có thể bảo vệ thông tin cá nhân của họ khỏi con mắt nhòm ngó của gián điệp chính phủ Mỹ.
Các trung tâm dữ liệu này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2016 dưới sự điều hành của chi nhánh trực thuộc Deutsche Telekom. Tuy nhiên, Financial Times lưu ý rằng khách hàng sẽ phải trả nhiều hơn nếu muốn lưu trữ dữ liệu tại đây, đổi lại họ sẽ an toàn hơn.
"Các vùng trung tâm dữ liệu mới này sẽ cho phép khách sử dụng toàn bộ sức mạnh của đám mây Microsoft tại Đức, đồng thời đảm bảo rằng công ty Đức có thể kiểm soát được dữ liệu này", Giám đốc điều hành Microsoft, Satya Nadella, nói tại cuộc họp báo hôm 11/11 tại Berlin, Đức.
Tuyên bố trên là động thái mới nhất của các công ty công nghệ Mỹ trong nỗ lực chống lại hoạt động do thám của chính phủ Mỹ đối với dữ liệu do nước ngoài kiểm soát. Các tập đoàn như Microsoft và Google muốn giành lại sự tin tưởng của khách hàng sau scandal mang tên "Snowden". Mới đây, Microsoft đã từ chối yêu cầu của chính phủ Mỹ bắt giao nộp dữ liệu e-mail của một công dân Mỹ lưu tại máy chủ ở Ireland.
Tuy nhiên, nếu dữ liệu lưu trữ tại Mỹ, không trước thì sau các công ty như Microsoft hoặc Google sẽ bị chính phủ ép bằng được thì thôi. Chính vì vậy, việc chuyển các trung tâm dữ liệu mới tới Đức của Microsoft sẽ ngăn chặn khả năng này xảy ra.
Microsoft cũng đồng thời công bố kế hoạch triển khai các trung tâm dữ liệu mới tại Anh. Tuy nhiên, luật bảo vệ dữ liệu của Đức là cực kỳ nghiêm ngặt, nên việc Microsoft đặt trung tâm dữ liệu tại đây sẽ rất an toàn. Nếu Microsoft có nhận được bất cứ trát giao nộp thông tin nào, họ chỉ cần chuyển yêu cầu đó tới chính phủ Đức là xong, và bên yêu cầu sẽ không thể có được điều mình muốn.
Động thái của Microsoft có thể gây ra những phản ứng dây chuyền khác. Nếu mô hình đặt trung tâm dữ liệu tại Đức là an toàn nhất, các công ty như Google và Amazon sẽ có bước đi tương tự. Ngoài ra, nó còn tác động tới cả quan điểm của châu Âu.
Mới tháng trước, Tòa án Tư pháp liên minh châu Âu đã bãi bỏ thỏa thuận chia sẻ dữ liệu Safe Harbor, từng cho phép các công ty Mỹ có thể gửi dữ liệu của công dân châu Âu về Mỹ. Hiện hiệp ước này đang được thương thảo lại.
Nguyễn Minh