* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả   

Dù được remake từ tác phẩm ăn khách của Hàn Quốc Mother of Mine nhưng Thương ngày nắng về ngay từ lúc công chiếu đã gây được sự bùng nổ cảm xúc từ khán giả xem truyền hình Việt Nam. Cũng bởi, bộ phim không chỉ sở hữu một dàn diễn viên đỉnh cao, diễn xuất chân thật mà còn có cách biến đổi linh hoạt, khiến nội dung thoát khỏi bóng dáng một tác phẩm remake trở nên thuần Việt, mang đến sự gần gũi với công chúng hơn. Đó cũng là lý do mà khi phần 1 của Thương ngày nắng về phát sóng đã nhận được vô số lời khen ngợi cùng lượt xem cao trên khắp nền tảng mạng xã hội. 

Nhân vật chị chồng gây ức chế trong phim. 

Tuy nhiên, nếu như ở phần 1, bộ phim nhận được nhiều phản hồi tích cực vì cách xử lý gọn gàng, các tình tiết truyền tải được ý nghĩa nhân văn thì trong những tập gần đây, mâu thuẫn giữa các nhân vật mẹ chồng, chị chồng và Vân Khánh được đẩy lên cao độ, mang đến nhiều bi kịch, đã khiến nhiều khán giả cảm thấy mỏi mệt và ức chế. 

Ở phần 1, chúng ta cũng thấy được một chút mâu thuẫn giữa nhân vật Khánh và mẹ chồng, do “ăn cơm trước kẻng” nên thường xuyên bị nhà chồng dè bỉu, xem như “của nợ”. Nhưng đến phần 2 của bộ phim, khi nhân vật Thương, chị chồng của Khánh, xuất hiện thì cao trào của bi kịch mới thật sự bắt đầu. Cũng bởi Thương không chỉ ra sức xúi giục mẹ hành hạ em dâu mà còn dàn xếp nhân tình làm nhục Khánh, ép em dâu phải rời khỏi nhà, nhằm chiếm đoạt căn chung cư của vợ chồng Đức và Khánh. 

Rõ ràng, sự ghê gớm, nanh nọc của bà Hiền và Thương được đội ngũ biên kịch khai thác quá triệt để, đôi khi hơi quá đà khiến bộ phim trở thành phiên bản “sống chung với mẹ chồng” ở cấp độ cao hơn. Bà Hiền, ở phần một, được xây dựng là một người phụ nữ đồng bóng, suốt ngày váy áo điệu đà, không quan tâm đến con dâu và cháu nội. Dù trong cuộc sống thường ngày, bà và Khánh thường xuyên đụng độ, cơm không lành canh không ngọt. Tuy nhiên, họ vẫn có những thời điểm hòa thuận, trò chuyện tương đối dễ chịu.

Phim chồng chất bi kịch khiến khán giả mệt mỏi. 

Nhưng khi sang phần hai, đại đa số những cuộc đối thoại giữa bà Hiền với con dâu lại được khắc họa rất nặng nề. Bà không tiếc lời mắng nhiếc con dâu như “Cái loại chuyên phá hoại, hỗn láo, đáng lẽ tôi phải dắt về trả cho mẹ nó lâu rồi” hoặc “Nhà tôi vô phúc mới có ngữ con dâu như chị”. Đến khi Thương bị vỡ nợ, liên lụy cha mẹ phải bán nhà, khiến cả gia đình phải đến ở nhờ nhà vợ chồng Khánh và Đức, nhân vật mẹ chồng và chị chồng vẫn không hề thay đổi hoặc tỏ ra nhún nhường một chút nào. Dù ăn nhờ ở đậu nhà em trai nhưng Thương lúc nào cũng lườm nguýt, tỏ thái trịch thượng, xem thường em dâu. Nhân vật này chẳng những không biết ơn mà còn thường xuyên sử dụng đồ dùng cá nhân của Khánh, ăn thức ăn Khánh nấu riêng cho con. Bà Hiền cũng tương tự như thế, khi liên tục mỉa mai, nói xấu con dâu. 

Đỉnh điểm của bi kịch này chính là việc Thương chuốc thuốc mê, dàn dựng để Khánh bị sàm sỡ, làm nhục trong khách sạn. May mắn là tên sở khanh không làm hại được Khánh. Tuy nhiên, tình tiết vẫn khiến Khánh rơi vào cảnh tình ngay lý gian, khi bị chính Đức, người chồng đầu ắp tay gối trong suốt 10 năm, cũng hoàn toàn không tin tưởng cô. 

Sau khi tập phim này lên sóng, bộ phim đã nhận về nhiều lời chỉ trích gay gắt. Dù diễn viên Lan Phương diễn xuất rất tốt, thể hiện được nỗi đau tột cùng và sự giằng xé trong nội tâm nhân vật, nhưng người xem vẫn đặt ra rất nhiều câu hỏi. Cũng bởi, tính cách và những hành động nhẫn tâm đến mức vô lý, không thể chấp nhận được của mẹ chồng, chị chồng trong bộ phim Thương ngày nắng về đã khiến cảm xúc của khán giả bị dồn nén và ức chế cao độ. Thậm chí, nhiều người chia sẻ nhìn vào cuộc sống hôn nhân đầy màu sắc tiêu cực, ngột ngạt, khó thở của Khánh, khiến họ chán nản không muốn tin tưởng vào hạnh phúc gia đình trong cuộc sống thật.

Diễn xuất của Lan Phương nhận nhiều lời khen. 

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều khán giả xem truyền hình bày tỏ sự mỏi mệt vì tình tiết phim hơi khiên cưỡng, tạo ra quá nhiều nút thắt và bi kịch, gây cảm giác không thực và khó chịu cho người xem. Đó là chưa kể, mô - típ nhân vật bị đẩy vào bi kịch cưỡng bức, làm nhục vốn xuất hiện không ít trong các bộ phim truyền hình Việt trước đây như Hướng dương ngược nắng, Cô gái nhà người ta, Tình yêu và tham vọng… 

Cá nhân tôi vốn là một người thường xuyên theo dõi các bộ phim truyền hình của VFC, chứng kiến nhiều bi kịch của những nhân vật trong phim, nhưng với tình huống của Khánh trong Thương ngày nắng về, vẫn cảm thấy bức xúc và chần chừ không muốn theo dõi tiếp tục. Dù khán giả vẫn biết phim ảnh đương nhiên sẽ có sự khác biệt, không tương đồng hoàn toàn với cuộc sống đời thường nhưng nếu quá chúng trọng khai thác các bi kịch, những tình tiết gây ám ảnh tâm lý người xem sẽ mang đến tác dụng hoàn toàn ngược lại. Cũng bởi, nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng vốn là nơi để khán giả “chữa lành” những tổn thương qua đó tìm thấy nhiều giá trị tích cực, làm động lực để người ta mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, càng xem phim, khán giả lại càng mỏi mệt và ức chế hơn thì điều tất yếu là họ sẽ phẫn nộ, chỉ trích thậm chí ngừng xem như một cách tẩy chay những thông điệp thiếu tính nhân văn của bộ phim.

Đó là chưa kể sau hàng loạt tình huống khiên cưỡng đã đề cập, nhiều khán giả đặt câu hỏi về thông điệp truyền tải của bộ phim. Dù mạch phim ban đầu đề cao tình mẫu tử thiêng liêng nhưng càng về sau dường như càng đi chệch quỹ đạo. Việc sa đà vào mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu là nguyên nhân khiến người xem có cảm nhận khác đi về tổng thể của tác phẩm. Thiết nghĩ, nếu tiết chế việc đưa vào nhiều tình huống dài dòng, tạo drama quá mức, Thương ngày nắng về vẫn có thể được khán giả đón nhận nhiều hơn, thay cho những phản ứng tiêu cực và chỉ trích gay gắt như thời gian vừa qua. 

Minh Hiệp

Nếu bạn có ý kiến, hãy gửi cho chúng tôi bài viết vào địa chỉ: [email protected]. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của bài viết đã đăng trên VietNamNet.