Buổi thử nghiệm được diễn ra tại Trung tâm thử nghiệm va chạm của Mercedes-Benz ở Stuttgart (Đức). "Nhân vật chính" của buổi thử nghiệm va chạm là 1 chiếc SUV EQS - dòng sản phẩm thuần điện cao cấp nhất của Mercedes-Benz và 1 chiếc EQA dành cho thị trường châu Âu.
Đây là vụ thử nghiệm đầu tiên của Mercedes-Benz khi cho hai chiếc xe điện của mình va chạm với nhau. Trong khi EQS SUV điện lớn nhất thì EQA lại là chiếc nhỏ nhất trong dòng sản phẩm thuần điện và và chênh lệch trọng lượng của chúng là khoảng gần 800kg.
Trong thử nghiệm của mình, Nhà sản xuất ô tô Đức đã cho hai chiếc xe lao thẳng vào nhau ở tốc độ 56km/h từ khoảng cách 130m với tỷ lệ tiếp xúc là 50% đầu xe bên lái.
Để ghi lại toàn bộ hình ảnh cũng như thông số từ vụ va chạm, hai chiếc xe điện trang bị hàng trăm cảm biến và hàng chục camera trên xe, được kết nối với một dây cáp tín hiệu đặt vào rãnh trên sàn. Mặt sàn nơi xảy ra va chạm làm bằng kính đặc biệt, cho phép các camera phía dưới ghi hình để không bỏ sót một góc nhỏ nào. Ngoài ra, vụ va chạm thử nghiệm còn có sự hỗ trợ của đèn siêu sáng (100.000 lumen).
Công tác an toàn cũng được chuẩn bị rất kỹ và có nhiều phương án được đưa ra, trong đó có kịch bản cả hai chiếc xe phát nổ và bốc cháy ngay sau vụ va chạm. Lúc này, những chiếc xe nâng sẽ lập tức tiếp cận và "bê" hai chiếc xe ra ngoài và nhúng vào một bể nước chứa hoá chất lớn. (May mắn là điều này đã không xảy ra).
Cuối cùng, vụ va chạm thử nghiệm đã được tiến hành, hai chiếc xe lao đến và va chạm cực mạnh vào nhau. Ngay lập tức, phần đầu của 2 chiếc xe đã vỡ vụn, những mảnh vỡ vương vãi khắp sàn. Chiếc EQA với trọng lượng nhẹ hơn đã bị bắn xa ra khỏi đường chạy ban đầu. Nhân viên cứu hỏa đã tiếp cận các phương tiện để đo các thông số về nhiệt độ và kiểm soát cháy nổ sau va chạm.
Sau va chạm, đèn báo nguy hiểm sáng lên, tay nắm cửa bật ra và cửa xe tự động mở khóa, pin điện áp cao đã tự động ngắt kết nối. Hệ thống gọi khẩn cấp tự động vào số của cảnh sát đã được kích hoạt, nhưng tất nhiên hệ thống này đã được lập trình trước đó để gọi vào một số điện thoại khác để tránh làm phiền đến đội cứu hộ địa phương.
Sau khi đã an toàn, các kỹ sư bắt đầu vào cuộc để thu thập dữ liệu của mình. Còn những nhân viên đã bắt đầu lau dọn chất làm mát màu hồng bị rò rỉ từ hai chiếc ô tô.
Có thể thấy, những chiếc xe đã bị phá huỷ nghiêm trọng sau vụ tai nạn. Trong đó, kính chắn gió của chiếc EQA 300 đã bị vỡ, bánh trước bên lái của chiếc xe này cũng bị gãy rời. Chiếc SUV EQS 450 bị nhẹ hơn nhưng cũng hư hỏng toàn bộ phần đầu xe.
Trên cả hai chiếc xe đều có hình nộm mô phỏng người ngồi bên trong theo đúng kích thước và cân nặng thực tế. Sau va chạm cho thấy toàn bộ túi khí đã nổ và không ai bị thương nặng.
Với các xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống, bảo vệ sự an toàn của người trong khoang lái là ưu tiên số 1, nhưng với xe điện, ngoài những hành khách, còn có một mục tiêu khác được Mercedes-Benz hướng tới đó là bảo vệ sự an toàn của khối pin.
Marcel Brodbeck, kỹ sư an toàn thụ động tại Mercedes-Benz cho biết: “Chúng tôi cần một không gian sinh tồn khác cho pin điện áp cao. Pin được đặt bên dưới sàn giữa các trục, khu vực ít có khả năng bị biến dạng nhất và cấu trúc bệ cửa chắc chắn bằng hợp kim nhôm giúp bảo vệ chúng khỏi các tác động bên ngoài".
Julia Hinners, một kỹ sư an toàn thụ động khác giải thích: "Trong trường hợp xảy ra sự cố, hệ thống điện áp cao sẽ tắt và ngắt kết nối với pin. Ngoài ra, việc ngắt kết nối pin cũng có thể thực hiện thủ công bằng một công tắc ở dưới cột A, có thể kích hoạt cho lái xe hoặc nhân viên cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp".
Theo Car And Driver
Bạn có bình luận thế nào về thử nghiệm trên? Hãy để lại ý kiến bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!