Phong cách thiết kế nội thất công nghiệp (Industrial) ra đời vào những năm đầu của thế kỷ 20 tại Tây Âu, khi mà các nhà máy bị bỏ hoang nhiều. Khi đó, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, những nhà máy này trở thành khu tái định cư.
Các kiến trúc sư đã tận dụng những gì có sẵn để tái tạo nhằm tạo nên không gian sống tiện nghi cho cư dân. Kết quả là họ đã sáng tạo nên những không gian sống hiện đại, tinh tế, độc đáo và cực kỳ phá cách.
Phong cách thiết kế nội thất Industrial không ngừng được phát triển và hoàn thiện với những ý tưởng mới lạ, độc đáo dựa trên những nét đặc trưng cơ bản của phong cách này.
Phong cách nội thất công nghiệp chính là sự đơn giản, thô sơ. Nếu như những phong cách thiết kế nội thất khác cố gắng che đi những khuyết điểm thô, mộc, cũ kỹ thì phong cách thiết kế Industrial lại khuyến khích giữ lại những điểm này để tạo nên sự mới mẻ, khác biệt nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn về thẩm mỹ và độ an toàn cho gia chủ.
Nếu bạn thích phong cách này nhưng chưa có đủ tài chính để thuê kiến trúc sư thiết kế, cải tạo lại vẫn có thể tự decor với một số mẹo dưới đây:
Tường
Những bức tường gạch hay tường bê tông thô, để lộ đường ống nước chạy quanh không gian nhà mà không cần che chắn chính là các chi tiết thô đặc trưng của phong cách thiết kế nội thất công nghiệp. Phần tường gạch mộc đỏ, bạn có thể đục một ít vữa theo kích thước mình cần, mua sơn phủ chống bám bụi sơn lên và treo thêm tranh, ảnh hoặc gắn kệ lên theo ý thích.
Nếu lựa chọn phương án sơn hiệu ứng bê-tông bạn có thể tự mua về sơn theo hướng dẫn trên một số kênh về cải tạo nhà cửa hoặc đơn giản, bạn mua hai loại sơn màu này nhưng sắc độ đậm, nhạt khác nhau. Lớp phủ đầu tiên sơn phủ màu nhạt, sau khi khô bạn dùng bọt biển hoặc tấm vải cũ nhúng vào sơn màu đậm và tạo hiệu ứng. Cách làm khá cầu kỳ nhưng tỉ mỉ một chút, bạn sẽ có mảng tường độc, lạ.
Ngoài ra, một cách đơn giản hơn là bạn mua gạch đỏ giả cổ, dùng keo chuyện dụng hoặc xi-măng trát lên. Chi phí cho loại gạch này tính theo m2, có nhiều kích thước cho bạn lựa chọn, dao động từ 200 – 500 nghìn đồng/m2.
Decor
Bạn hãy tạo ra những chiếc kệ sách, kệ trang trí, đựng đồ từ ống nước đồng sơn đen và gỗ pallet. Với chút khéo léo, bạn sẽ có những chiếc kệ xinh xắn, mộc mạc.
Những chiếc kệ xinh xắn làm từ ống nước và gỗ thông. Hai vật liệu này rất dễ tìm và rẻ.
Nội thất
Nội thất phong cách này có thiết kế tinh giản để tạo nên những nét thô, nét mạnh mẽ cho không gian. Đường nét không cầu kỳ, màu sắc tông trầm.
Sàn nhà
Để thay đổi sàn nhà, với phương án sàn bê-tông mài, bạn sẽ cần thợ chuyên nghiệp. Cách đơn giản hơn là bạn mua sàn gỗ tông màu tối về lát. Hiện ngoài loại sàn gỗ có khớp nối, có loại sàn từ nhựa giả gỗ, dán trực tiếp lên mặt sàn nhẵn, bạn hoàn toàn có thể tự thi công trong thời gian ngắn. Chất lượng và độ bền của loại sàn này cũng khá ổn. Chi phí dao động từ 90 nghìn– 400 nghìn/m2.
Tận dụng ánh sáng
Đặc trưng của phong cách nội thất công nghiệp là không gian mở rộng từ cửa sổ, cửa chính để tận dụng ánh sáng, cũng như đón gió tự nhiên tốt hơn, nhằm tạo sự thông thoáng tối đa.
Ngoài ánh sáng tự nhiên, bạn có thể mua thêm đèn ống bơ, đèn ray trượt gắn lên những góc muốn tạo điểm nhấn. Với ánh đèn vàng dịu bạn sẽ được đắm chìm trong không gian gần gũi, mộc mạc nhất.
Màu sắc mộc, tối đặc trưng
Gam màu chủ đạo trong phong cách Industrial là các màu sắc mộc, tối, trầm từ các chất liệu gỗ. Những màu sắc này đem lại sự gần gũi và toát lên được sự mạnh mẽ trong thiết kế. Hơn nữa những gam màu này còn đem lại đẳng cấp, sự huyền bí. Do vậy phong cách này có thể chinh phục những người có tâm hồn mạnh mẽ, phóng khoáng.
Chất liệu thi công công nghiệp
Các chất liệu thi công đặc trưng của phong cách Industrial thường mang đậm chất công nghiệp như bê tông, gạch, thép, gỗ, kính,… để tạo nên bề mặt thô mạnh mẽ. Ở phong cách này bạn sẽ thấy những tấm gỗ thô không được mài dũa tinh tế ốp lên trên tường cũng sẽ đẹp, sang trọng và ấn tượng không kém những bức tường ốp đá cao cấp.
Quỳnh Nga