Năm nay kinh tế gia đình tôi khủng hoảng trầm trọng, tiền lương tháng nào hết nhẵn tháng ấy. Tết đến rầm rầm sau lưng mà tôi vẫn cứ ung dung, vì làm gì có tiền mà đòi hoành tráng.
Quay đi quay lại, chả mấy chốc Tết đã gõ cửa. Tết đến, trẻ
con thì mừng người lớn thì lo. Cứ nhìn xung quanh mà xem, trừ vài nhà điều kiện
kinh tế khá giả là còn đủng đỉnh, xem Tết như dịp khoe của nả, tiền bạc chứ
những nhà công nhân viên chức thường như chúng tôi thì cứ gọi là lo ngay ngáy.
Ở nông thôn, các cô bác già cả chỉ trông chờ vào đồng ruộng thì xem Tết là ngày con cháu quây quần đông đủ, cố may mặc cho các cháu manh quần áo mới, quét vôi ve nhà cửa, tính gói bao nhiêu cái bánh chưng, thêm vài món ngon tiếp đãi anh em họ hàng.
Gia đình chúng tôi hàng chục năm nay cứ đến Tết là quay cuồng với đủ thứ phải lo. Lo sắm sửa Tết, trang hoàng nhà cửa một chút, mua bánh kẹo, hoa hoét, tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh vì sợ ngày Tết thực phẩm leo thang. Lo cả những thứ nhỏ nhất như chuẩn bị tích trữ sẵn mớ tiền lẻ 10 ngàn, 20 ngàn để mừng tuổi trẻ con.
Mua quà gửi về quê nội, quê ngoại, quà biếu cô dì chú bác. Riêng việc tính toán mua quà bánh thế nào cho hợp túi tiền mà nhìn vẫn lịch sự cũng khiến phụ nữ chúng tôi váng đầu.
|
Ảnh minh họa |
Câu cửa miệng "cả năm mới có ngày Tết" khiến việc cứ ra đến chợ là cháy túi, nếu không cân đối thu chi thì ra Tết không hiếm cảnh gia đình phải chi tiêu dè sẻn đợi kì lương sau.
Ngày Tết, vợ chồng tôi cứ long sòng sọc trên đường, hết về quê nội lại quê ngoại, cứ như chạy sô. Con cái lớn thêm một chút, cái xe Dream nhồi nhét 4 người cứ gọi là chật cứng, khỏi phải nhúc nhích. Về đến quê ăn Tết mà cứ gọi là bạc mặt vì rét, vì bụi bặm, mưa gió.
Năm nay kinh tế gia đình tôi khủng hoảng trầm trọng, tiền lương tháng nào hết nhẵn tháng ấy. Tết đến rầm rầm sau lưng mà tôi vẫn cứ ung dung, vì làm gì có tiền mà đòi hoành tráng.
10 năm làm vợ, làm mẹ, tôi có kha khá kinh nghiệm chi tiêu ngày Tết, câu danh ngôn tự chế mà tôi thuộc lòng là "có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, quyết không để cháy túi vì Tết". Vẫn có Tết đẹp, Tết nhẹ nhàng nếu ta biết cân- đong- đo- đếm chuẩn xác.
Tôi thuộc dòng mê hoa lá cành. Này nhé, cuối tháng giêng năm trước tôi mua cây mai trắng hết có 100 ngàn ở phiên chợ huyện. Sau gần 1 năm chăm sóc, năm nay cây mai hứa hẹn cho chủ nhân một mùa hoa tinh khôi sắc trắng. Tôi còn có vài chậu lan đang có nụ. Ấy, khoản hoa chơi ngày Tết đã xong, chỉ cần vài chục ngàn nữa là có lọ hoa tươi cắm trên bàn thờ các cụ.
Mâm ngũ quả thì cũng giản dị: nải chuối, quả bưởi, chùm quất chín, mấy quả trứng gà (lêkima), quả thanh long. Bày biện thêm cặp bánh chưng, chai rượu vang, hộp bánh là đã thấy không khí Tết thật rôm rả. Bánh kẹo mua tiếp khách không cần cầu kì, nửa cân hạt dưa hạt bí, gói kẹo lạc, chè lam và ít thạch hoa quả cho trẻ con.
Ngày Tết, ai cũng háo nên nhà tôi cứ mua sẵn 2 kg táo con, vài quả bưởi mời khách. Thế là ổn! Những năm trước, tôi cứ sợ thiếu nên mua rõ lắm bánh kẹo, ra Tết đến mấy tháng cả nhà mới chiến đấu hết, đến oải vì ăn bánh kẹo.
Bánh chưng cũng đặt mua 6 cái, phải hôm nồm ẩm, quên không để ý, bánh thiu hỏng, lãng phí quá trời. Đến khoản mua thịt thà tích đầy hự tủ lạnh cũng đã hết thời. Mồng 2 Tết, chợ ngay nhà họp bán từ đầu giờ chiều.
Tôi chỉ cần nấu nồi thịt đông, mua khoanh giò và con gà ăn Tất niên là coi như Tết đã đủ đầy. Vì từ mồng 1 đến mồng 3 đã ăn Tết ở quê nội, quê ngoại nên đâu cần sắm sửa quá nhiều đồ ăn.
Tiền biếu ông bà nội ngoại cũng không cần quá nhiều. Năm nào tiền lương rủng rỉnh tôi biếu ông bà 1 triệu, năm nào hẻo thì 500 ngàn. Có năm trả nợ tiền nhà, tôi về quê chỉ biếu ông bà túi quà bánh và có lời mong ông bà thông cảm.
Tôi thấy nhiều nhà sắm Tết hoành tráng quá mức, tiêu pha theo kiểu ném tiền qua cửa sổ nhưng qua Tết lại nhăn nhó vì cháy túi, cuối tháng giêng đã sang nói khó vay mượn hàng xóm, đồng nghiệp.
Thời buổi này, ngày thường cũng đã ăn ngon mặc đẹp, ngày Tết cũng nên bớt những thứ rườm rà quá mức đi. Tết đối với tôi là những ngày nhẹ nhõm, ăn uống đúng mực, quây quần trong gia đình và bè bạn thân thiết.
Thanh Mai