Nhu cầu ăn uống là một việc không thể nào thiếu được trong cuộc sống của con người. Theo thống kê, trung bình một gia đình sẽ tiêu tốn từ 5 – 20% ngân sách hàng tháng cho thực phẩm. Nếu không khéo léo chi tiêu, con số này còn có thể đội lên rất nhiều.

Cửa hàng tạp hóa, ăn uống, các loại thực phẩm hàng ngày “móc” hầu bao của chúng ta khá nhiều. Dĩ nhiên, không có thức ăn thì không thể có năng lượng để tiếp tục sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta kiểm soát được chi tiêu của mình tốt hơn, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể có những bữa ăn ngon, đầy đủ chất mà không làm hao hụt quá nhiều tiền mỗi tháng.

Để đạt được mục tiêu tiết kiệm ngân sách, nhất là trong giai đoạn Tết Nguyên Đán cận kề như thế này, hãy thay đổi thói quen mua sắm của mình bằng những mẹo sau đây:

Lên danh sách những thực phẩm cần mua và bám sát nó khi mua sắm

Nếu bạn đi mua sắm hàng hóa, thực phẩm mà không có kế hoạch, giống như bạn đang… đùa với lửa. Người lớn mỗi khi đi mua sắm giống như trẻ con lạc vào hàng kẹo. Có rất nhiều loại thực phẩm với nhiều lựa chọn tuyệt vời ở đó. Bỏi vậy nếu bạn không lên danh sách từ trước với những món đồ cần thiết và hữu dụng trong nhà, chắc chắn bạn sẽ tốn cả đống tiền cho những thứ bạn đã có hoặc không thực sự cần đến.

{keywords}
 Trong bối cảnh giá thực phẩm tăng chóng mặt, bà nội trợ thông thái cần phải biết lên kế hoạch mua sắm hợp lí và tiết kiệm cho gia đình (Ảnh minh họa)

Khi đến nơi mua, bạn hãy dựa trên danh sách đó để lựa chọn đồ và bỏ qua những thứ không cần thiết để tránh bị cuốn vào vô vàn những mặt hàng hấp dẫn với đủ thứ giá cả khác nhau. Bằng cách này, bạn sẽ đi chợ, đi mua sắm với một khoản tài chính như dự định thay vì về nhà giật mình khi thấy ví tiền đã hao hụt đáng kể.Trước khi đi chợ nấu đồ cho ngày cuối tuần hay bữa tối, bạn kiểm tra lại mình định nấu món gì, cần những nguyên liệu gì, hãy viết chúng ra. Bạn cũng nên có thêm 1-2 phương án phòng trừ trong trường hợp thứ bạn định mua không có.

Mang theo bình nước cá nhân thay vì mua nước đóng chai

Bạn có thể nghĩ một chai nước đóng chai không đáng bao nhiêu tiền nên đi đâu bạn cũng mua chúng để uống? Mỗi khoản chi tiêu nhỏ này có thể làm ngân sách chung cuối tháng của bạn vượt trội lên khá nhiều.

Thay vào đó, bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị một chai nước nhỏ của mình trong túi xách hoặc balo để sử dụng mỗi khi di chuyển xa. Việc làm này sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản không nhỏ.

Cắt giảm đồ ăn vặt

Tất nhiên chẳng có gì thích thú bằng việc ngồi chơi và nhâm nhi một túi khoai tây chiên, một ly kem tươi, trà sữa… Tuy nhiên, những thực phẩm ăn nhẹ này thường có giá khá đắt. Càng ngày những mặt hàng này càng tăng giá chóng mặt và tiêu tốn của bạn một khoản tiền kha khá.

Việc bạn nên làm không hẳn là cắt bỏ hoàn toàn nhưng hãy giảm đi một nửa hoặc 2/3, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn mỗi tháng. Không chỉ vậy, những món đồ ăn vặt cũng không có lợi cho sức khỏe của bạn, vậy tại sao bạn không ăn chúng ít lại để có nhiều tiền hơn và khỏe hơn?

Cân đối số lượng thức ăn cho mỗi bữa dựa trên số lượng người ăn

Một mẹo đơn giản để tiết kiệm được thực phẩm chính là việc tính toán số lượng thức ăn trong một bữa và bày biện lên bàn vừa đủ. Rất nhiều người có suy nghĩ sẽ nấu một nồi lớn, sau đó để lại một phần cho bữa sau. Tuy nhiên, họ lại cho hết chúng ra bát/ đĩa và để lên bàn. Nhưng theo thói quen, khi thấy còn đồ ăn trong đĩa, mọi người sẽ… ăn cố cho hết thay vì cất đi. Hoặc nếu có cất đồ ăn đã ăn thừa đi thì bữa ăn sau cũng không còn đảm bảo nữa.

Do đó, để tránh lãng phí thức ăn, bạn nên để ra bàn ăn một số lượng vừa đủ cho bữa đó, còn lại cất vào hộp đựng thực phẩm để dành cho bữa sau.

Lựa chọn những cửa hàng tốt có giá thành hợp lý

Có vô số những cửa hàng, những quầy bán ở xung quanh nơi bạn sống với giá cả, sự đắt, rẻ khác nhau dù cùng một sản phẩm. Bạn nên có thói quen so sánh giá cả sau khi trải nghiệm mua hàng ở nhiều nơi khác nhau và rút ra cho mình một kinh nghiệm rằng nơi nào bán mặt hàng này với giá ưu đãi hơn, hãy ưu tiên ghé thăm những lần sau. Mỗi một khoản chi tiêu nhỏ nhưng nếu biết tính toán bạn cũng có thể tiết kiệm được nhiều hơn.

{keywords}
Có sự chú ý về giá cả khi mua sắm để ghé thăm thường xuyên hơn những cửa hàng bán hàng tốt với giá ưu đãi (Ảnh minh họa) 

Đăng kí thẻ thành viên tại các cửa hàng, siêu thị

Chi tiết nhỏ này sẽ mang đến cho bạn khá nhiều nguồn lợi và ưu đãi trong mua sắm. Thông thường, người có thẻ thành viên sẽ được mua với giá thấp hơn, nhiều khuyến mại hơn. Việc đăng kí thẻ thành viên cũng rất đơn giản. Mỗi lần mua sắm bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều.

Cẩn trọng khi mua đồ giảm giá với số lượng nhiều

Khi bắt gặp một mặt hàng giảm giá sâu, nhiều bà nội trợ thường sẽ có phương án mua thật nhiều vì sẽ cắt giảm được một khoản lớn tiền so với giá thành bình thường của nó. Việc tích trữ số lượng lớn đôi khi cũng không phải là cách hay. Khi quyết định mua bạn cần phải xem xét kĩ thời hạn sử dụng của sản phẩm, tính toán tốc độ, tần suất sử dụng của bạn với loại sản phẩm đó có kịp so với thời gian sử dụng hay không. Rất nhiều người mua quá nhiều nhưng sau đó còn chưa kịp dùng đến thì đã hết hạn, tưởng tiết kiệm nhưng lại hóa lãng phí.

Đặc biệt với những mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm đông lạnh càng cần phải lưu tâm khi quyết định mua số lượng lớn vì nó là thứ có hạn sử dụng ngắn, nhanh hỏng. 

Nấu nướng một số món ở nhà

Với một số món đơn giản như sữa chua, kem chua, caramen… hay nhiều món khác nữa bạn hoàn toàn có thể tự làm tại nhà vì công thức của nó đơn giản và thành phần rẻ. So với việc mua chúng định kì bên ngoài bạn sẽ tiết kiệm được cả đống tiền, đồng thời việc nấu nướng này cũng cải thiện trình độ nữ công gia chánh của bạn.

Cân nhắc mua những sản phẩm không thương hiệu đắt đỏ

Cùng một loại mặt hàng, với những thương hiệu nổi tiếng, giá trị sản phẩm của nó sẽ cao hơn rát nhiều lần so với được bán ở những nơi thông thường khác. Bạn nên cân nhắc một chút bởi đôi khi với môt số sản phẩm sự khác nhau của chúng chỉ đơn giản là được khoác lên mình những chiếc hộp mang thương hiệu và túi đóng thực phẩm thông thường. Chỉ cần đó là hàng có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mãn rõ ràng thì bạn cũng không cần thiết phải trả cao hơn khoảng 20% chỉ để mua một món hàng tương đương.

Phân loại các khoản tiền chi tiêu trong tháng

Đây là một bí quyết nhỏ nhưng có hiệu quả lớn. Bạn hãy để từng khoản tiền cần phải chi tiêu cho các mục đích khác nhau vào những chiếc phong bì và cố gắng chi tiêu trong phạm vi ngân sách đó. Với chiếc phong bì đựng tiền mua thực phẩm, đồ ăn thức uống hàng tháng cũng tương tự. Hãy đảm bảo rằng bạn cần cân đối mỗi lần đi mua sắm sẽ có số tiền bao nhiêu sau đó lên danh sách những thứ cần mua cho phù hợp, tránh lạm phát.

Trên đây là những mẹo nhỏ để không vượt mức chi tiêu mỗi tháng của bà nội trợ thông thái.

(Theo Khám phá)