Theo Bloomberg, thống kê của Chainalysis cho thấy các hộ gia đình Ấn Độ đang sở hữu hơn 25.000 tấn vàng. Tuy nhiên, tổng đầu tư vào tiền mã hóa tăng từ 200 triệu USD lên gần 40 tỷ USD trong vòng một năm qua bất chấp việc chính phủ Ấn Độ liên tục cảnh báo về những rủi ro liên quan đến Bitcoin, Ether hay Dogecoin.
Doanh nhân 32 tuổi Richi Sood là một trong những nhà đầu tư Ấn Độ chuyển từ vàng sang tiền mã hóa. Từ tháng 12/2020, cô chi hơn 1 triệu rupee (13.400 USD) mua Bitcoin, Dogecoin và Ether. Thậm chí cô vay thêm tiền từ cha để đầu tư.
Số lượng nhà đầu tư tiền mã hóa tại Ấn Độ hiện đạt 15 triệu người. Ảnh: Bitcoin News. |
Sood thắng đậm với quyết định này. Khi giá Bitcoin vượt 50.000 USD/đồng hồi tháng 2, cô bán ra và kiếm được khoản tiền lớn, sau đó mua vào lúc giá đồng tiền mã hóa này lao dốc. Khoản lãi giúp cô có đủ vốn để mở rộng startup giáo dục Study Mate India ra nước ngoài.
“Tôi thà đầu tư vào tiền mã hóa hơn là vàng. Tôi có thể kiếm nhiều lợi nhuận hơn trong khoảng thời gian ngắn so với vàng”, Sood chia sẻ.
Ước tính số lượng nhà đầu tư tiền mã hóa tại Ấn Độ đã đạt 15 triệu người, vượt xa con số 2,3 triệu người ở Anh và đang trên đà bắt kịp với mức 23 triệu người tại Mỹ.
Phần lớn nhà đầu tư tiền mã hóa Ấn Độ thuộc độ tuổi 18-35. Thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy người Ấn Độ dưới 34 tuổi không ham thích đầu tư vàng như thế hệ cũ.
“Họ thấy đầu tư vào tiền mã hóa dễ dàng hơn vàng vì quy trình giao dịch rất đơn giản. Chỉ cần lên mạng, bạn đã có thể mua tiền mã hóa”, Sandeep Goenka - nhà đồng sáng lập nền tảng tiền mã hóa ZebPay - cho biết.
Đầu tư vào tiền mã hóa tại Ấn Độ tăng rất nhanh trong thời gian qua. Ảnh: Chainalysis. |
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất đối với thị trường tiền mã hóa tại Ấn Độ là các quy định quản lý chưa rõ ràng. Năm 2020, Tòa án Tối cao Ấn Độ hủy bỏ quy định cấm các ngân hàng giao dịch tiền mã hóa.
Dù vậy, 6 tháng trước, chính phủ Ấn Độ lại đề xuất lệnh cấm giao dịch tiền mã hóa. Ngân hàng trung ương Ấn Độ cũng cho rằng tiền mã hóa là “mối lo ngại lớn”. Thời gian qua, chính quyền Trung Quốc, Mỹ và Anh cũng đồng loạt thực hiện các động thái siết chặt kiểm soát tiền mã hóa.
Dù vậy, nhiều nhà đầu tư Ấn Độ khẳng định họ sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm với tiền mã hóa. Theo CoinGecko, quy mô giao dịch tại 4 sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất Ấn Độ tăng từ 10,6 triệu USD/ngày trong năm 2020 lên 102 triệu USD/ngày trong năm nay.
(Theo Zing)
Trung Quốc đặt dấu chấm hết cho tương lai của Bitcoin?
Khác với những lần trấn áp tiền mã hóa trước, nỗ lực lần này của Trung Quốc có thể để lại ảnh hưởng lâu dài.