- Bố cháu sống rất nhu nhược. Mặc dù biết mẹ cháu ngoại tình nhưng ông vẫn cam chịu đau khổ một mình để cái gia đình ấy không bị tan nát. Chúng cháu cũng bị người đời nói xấu sau lưng. Mặc dù chúng cháu đang phải sống nhờ tiền của mẹ nhưng không lẽ chúng cháu phải chịu cảnh nhục này.
Chúng cháu có nói với mẹ nhưng mẹ nói: Chúng mày rời tao ra có sống nổi. Chúng mày giỏi thì làm lớn chuyện đi. Nếu chúng cháu đến cơ quan ông kia kiện vì quan hệ bất chính. Nếu điều đó xảy ra, mẹ có nghĩa vụ phải nuôi chúng cháu không. Chúng cháu đang học lớp 11 và lớp 12. Chúng cháu thấy thương bố quá vì chẳng thể giải quyết được gì. Mong cho cháu câu trả lời sớm, nếu không giải quyết được cháu cũng chẳng còn tâm trí nào học hành.
Luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Đông Phương Luật, ĐLS TP.HCM trả lời:
Chúng ta nên xem xét vụ việc ở 2 góc độ lý và tình :
Trước hết về vấn đề lý:
Theo điểm c, khoản 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2015 quy định người đang có vợ, có chồng mà quan hệ với người khác là vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Cụ thể: "Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ ".
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. |
Ai vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính ở mức 1-3 triệu đồng (điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP). Trường hợp tái phạm hoặc hành vi ngoại tình gây hậu quả nghiêm trọng thì người bị phản bội có quyền đề nghị cơ quan công an xử lý vi phạm của bạn đời. Theo điều 147 Bộ luật Hình sự, mức phạt với người bị kết tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng có khung từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù.
Tôi cũng bổ sung thêm, theo quy định tại điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự, ngoại tình không thuộc một trong 6 tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án. Nói cách khác một bên không thể khởi kiện bên kia ra tòa để yêu cầu giải quyết việc ngoại tình. Nếu thấy việc ngoại tình dẫn đến việc vợ chồng mâu thuẫn, hạnh phúc không còn thì chỉ có thể khởi kiện xin ly hôn.
Sau khi ly hôn thì cha và mẹ đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ nuôi dưỡng các con cho đến khi trưởng thành (đủ 18 tuổi). Nếu 2 con ở với bố thì mẹ có nghĩa vụ phải cấp dưỡng.
Còn xem xét về mặt tình:
Dù sao đây cũng là người mẹ đã sinh thành, dưỡng dục các cháu bao nhiêu năm nay và quan trọng hơn là hiện nay mẹ vẫn duy trì một cuộc sống gia đình. Vì vậy, cách tốt nhất là dùng tình cảm gia đình để thức tỉnh lại cách suy nghĩ của mẹ để mẹ cháu quay về.
Trước hết các cháu nên động viên bố cần có một quyết tâm cứng rắn, mạnh mẽ hơn để trao đổi thẳng thắn với mẹ về mọi vấn đề trong gia đình. Sẽ nêu ra những ưu, khuyết của từng người để từ đó điều chỉnh sao cho phù hợp. Bên cạnh đó các cháu cũng là nhịp cầu nối tạo ra những bữa cơm đầm ấm, những buổi chuyện trò, những cuộc dã ngoại ngắn,.. và hơn thế cần sự tác động thêm của hai bên gia đình nội ngoại, người thân, bạn bè... Để từ đó cho mẹ thấy được giá trị đích thực của một gia đình.
Song song đó, cháu hoặc bố chủ động trực tiếp nói chuyện với người tình của mẹ, yêu cầu ông ta chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, nếu không đồng ý thì sẽ thông báo đến gia đình, địa phương cũng như cơ quan làm việc của ông ta để có biện pháp can thiệp hợp lý.
Sau những cố gắng trên mà mẹ vẫn không chuyển tâm thay đổi, vẫn sống cuộc sống như hiện tại thì bước cuối cùng các cháu cũng khuyên bố mẹ nên ly hôn. Nếu kéo dài cuộc sống này sẽ đem đến nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các cháu rất nhiều khi mà hàng ngày phải chứng kiến những điều trái tai gai mắt.
Chuyện đổ vỡ không ai muốn nhưng cũng nên làm để cứu lấy lòng tự trọng và nhân cách của mọi người trong gia đình.
Các cháu học đến lớp 11-12 thì cũng đã đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành để bước vào đời rồi, cũng cần chuẩn bị tư tưởng tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của chính mình. Vì vậy điều cần thiết là phải chú tâm vào việc học cho tốt để có kiến thức làm nền tảng cho tương lai. Biết bao tấm gương sinh viên nghèo vượt khó, vừa đi học, vừa đi làm để tự trang trải cuộc sống.
Chúc cháu sẽ có cái nhìn đúng đắn và sáng suốt để có những quyết định phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh gia đình mình.
Nguồn luật viện dẫn:
Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn – Nghị định 110/2013/NĐ-CP
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
đ) Kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi;
e) Kết hôn giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng việc ly hôn để vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để trốn tránh nghĩa vụ tài sản.
Điều 147.Bộ Luật Hình Sự quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Ðiều 27.Bộ Luật TTDS quy định: Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
3. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
5. Tranh chấp về cấp dưỡng.
6. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định.
Tư vấn bởi luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Đông Phương Luật, ĐLS TP.HCM
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc