Đập vỡ điện thoại vì con vừa ăn cơm vừa chơi game
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 70 – 80% trẻ em từ 10 – 15 tuổi thích game online, trong đó tỷ lệ trẻ nghiện game chiếm khoảng 10 – 15%. Nghiện game cũng được tổ chức này nhận định là một bệnh lý trong danh sách phân loại bệnh quốc tế.
Mới đây, câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thanh Khương (SN 1987, Hà Nội) về hành trình cai nghiện game cho cô con gái từng có 2 năm chìm đắm trong game thu hút sự chú ý của nhiều người.
Chị Khương chia sẻ, từ khi bước vào tuổi dậy thì, con gái chị có những dấu hiệu nổi loạn, hay cãi bướng, xăm mình. Năm 13 tuổi, cô bé bắt đầu nghiện game, có thể chơi game cả ngày, thâu đêm suốt sáng nếu không phải đi học. Ngồi ăn cơm hay làm bất kỳ việc gì, cô bé luôn kè kè chiếc điện thoại bên mình để chơi game.
Mắng mỏ, đánh chửi là những cách chị Khương đã làm nhưng không khiến con thay đổi mà chỉ ngày càng lún sâu vào game. “Có hôm điên tiết khi thấy con một tay ăn cơm, một tay chơi game, tôi đã đập vỡ chiếc điện thoại. Bất lực quá, có lần tôi còn xích chân con vào chân giường”, chị kể.
Lý do nghiện game đã được chính V.H.Y (SN 2007) - con gái chị Khương chia sẻ. Y. cho biết: “Con chơi game vì cảm thấy trống rỗng, trong gia đình không có sự vui vẻ, ngày nào mẹ cũng chửi con nên con rất ít nói chuyện với mẹ. Khi chơi game con có bạn bè chơi cùng, cảm giác được là chính mình, được chia sẻ và được người khác ghi nhận”.
Mỗi lần bị mẹ đánh, cô bé đều nghĩ mẹ quá tàn nhẫn, không yêu thương mình. “Lúc bị mẹ xích vào chân giường, con cảm thấy mình như một con vật, chỉ muốn thoát ngay khỏi ngôi nhà đó. Trong suốt mấy năm học cấp 2, đã nhiều lần con nghĩ đến chuyện tự tử”, Y. kể.
Khi mối quan hệ giữa hai mẹ con ngày càng tiêu cực thì chị Khương tình cờ biết đến các bài giảng trên mạng về nuôi dạy con của Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành). Chị không ngờ rằng, đây chính là bước ngoặt quan trọng khiến mình thay đổi hoàn toàn cách cư xử với con gái.
Cai nghiện game bằng tình yêu thương
“Các bài giảng đã giúp tôi hiểu rằng, con bị như vậy là vì tôi chưa đủ yêu thương con, con đang trống rỗng nên mới lao vào game. Tôi còn hiểu ra nguyên nhân mình có hành vi đánh chửi con. Đó là do trước đây tôi cũng từng bị bố mẹ đánh mắng, y như cách tôi làm với con lúc bấy giờ”, chị Khương nghẹn lời.
Những ngày sau đó, chị Khương đã từng bước thay đổi. Chị bình an khi thấy con chơi game chứ không “sôi máu” lên như trước. Chị nói lời yêu thương với con hàng ngày và chủ động ôm con. Lúc đầu, Y. phản kháng, đẩy mẹ ra, nói mẹ giả tạo. Nhưng chị vẫn kiên trì thực hiện mỗi ngày và dần cảm nhận được sự thay đổi nơi con. Y. bắt đầu chia sẻ với mẹ nhiều hơn về chuyện bạn bè, trường lớp, tần suất chơi game giảm dần.
“Khi con chủ động ôm hôn tôi, bảo rằng “mẹ lúc trước của con chết rồi, mẹ giờ đã là người mẹ mới”, tôi biết mình đã thành công”, chị kể.
Theo chị Khương, trẻ nghiện game thường tính bằng năm, do vậy chị khuyên cha mẹ không nên sốt ruột, cần kiên trì để giúp con cai nghiện. Đây là hành trình cần có sự bình tĩnh, bền bỉ, biết yêu thương, ghi nhận, khen ngợi con hàng ngày, khi con cảm nhận mình được yêu thương, sự trống rỗng được lấp đầy thì con sẽ thành công từ bỏ game.
Câu chuyện của chị Khương được chia sẻ tại chương trình “Kiến tạo cuộc đời mới – Đường về hạnh phúc” do Học viện Minh Trí Thành tổ chức. Chương trình đề cập đến nhiều vấn đề nóng trong xã hội hiện đại như con nghiện game, cha mẹ và con cái mất kết nối, rối loạn lo âu, trầm cảm…
Tại chương trình, các chuyên gia đã hướng dẫn những phương pháp chữa lành giúp người tham gia hàn gắn tổn thương, kết nối với chính mình và người thân, đối mặt và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, từ đó tìm thấy sự bình an, hạnh phúc, kiến tạo con người mới, cuộc đời mới.
Bảo Thanh