Thực hiện chủ trương thu hồi đất để phục vụ các dự án công nghiệp, đô thị, diện tích đất nông nghiệp ở địa phương bị thu hồi nhiều, hiện chỉ còn hơn 105ha. Không còn nhiều đất sản xuất, người dân chuyển sang trồng rau xanh và hoa. So với trồng lúa một năm 2 vụ, thì trồng rau sạch mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều.
Cùng với việc tận dụng khí hậu thổ nhưỡng của địa phương, bà con xã viên đã không ngừng nghiên cứu quy trình sản xuất, đặc tính sinh trưởng và phát triển của từng loại cây trồng sao cho phù hợp với chất đất, mùa vụ, khí hậu miền Bắc.
Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ sản xuất rau an toàn mà nhiều xã viên đã thoát nghèo vươn lên khá giả, ổn định thu nhập và đời sống được nâng cao.
Theo Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Nhân Trần Văn Mạnh, trồng rau xanh tuy vất vả, phải chăm sóc đủ các điều kiện thì cây rau mới sinh trưởng, phát triển tốt nhưng bù lại cho thu nhập khá. Nhiều hộ gia đình cũng đang “sống khỏe” nhờ trồng rau an toàn.
Đã quen với nghề trồng rau, các xã viên HTX Yên Nhân nắm rõ trong tay từng thời điểm gieo trồng, thu hoạch rau trong năm. Mỗi vụ thu hoạch, thay vì phải đem rau ra chợ bán như những nơi khác thì rau an toàn của HTX Yên Nhân được thương lái đến tận ruộng mua. Thậm chí còn phải đặt trước, các xã viên mới đảm bảo cung ứng hết số lượng.
Để nâng cao chất lượng và sản lượng rau an toàn, thời gian qua, HTX đã đẩy mạnh tuyên truyền tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho xã viên. Theo đó, tất cả các thành viên tham gia HTX đều thực hiện tốt quy trình sản xuất giảm thiểu tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dùng biện pháp bẫy bả chua ngọt để hạn chế côn trùng, sâu, bệnh hại, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân vô sinh..
HTX Yên Nhân dã tham gia Chương trình OCOP thành phố và trở thành một trong số những HTX có nhiều sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận 8 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Rau xà lách xoăn, rau súp lơ xanh, rau cải ngồng, rau cải mơ, rau cải bẹ, quả mướp hương, quả dưa chuột, quả cà pháo.
Bên cạnh đó, 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao: Rau cải ngọt, rau cải chíp, quả mướp đắng, củ su hào. Người dân kỳ vọng giấy chứng nhận OCOP không chỉ củng cố niềm tin với khách hàng mà còn đưa cây rau của HTX có giá trị cao hơn.
“Đây là cơ hội cho HTX mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử. Kể từ khi tham gia đánh giá sản phẩm OCOP Thành phố Hà Nội, tới nay sản lượng rau, củ quả mỗi năm tăng gấp 3 lần so với trước kia. Các sản phẩm rau an toàn của HTX Yên Nhân được thương lái đến tận ruộng thu mua, phân phối đi các tỉnh thành như Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An... Nhiều thương lái phải đặt trước với các xã viên mới bảo đảm cung ứng đủ số lượng” - ông Mạnh hồ hởi chia sẻ.
Cũng theo vị giám đốc này, HTX Yên Nhân thu hút thành viên dựa trên 2 giá trị cốt lõi. Thứ nhất, khi vào HTX thì thu nhập của thành viên phải tăng lên. Họ chỉ việc tập trung sản xuất theo kế hoạch chung, còn HTX lo khâu tiêu thụ. Bởi vậy, cho đến thời điểm này, nông dân tham gia HTX đều tăng thu nhập theo từng năm, tối thiểu 5 – 10% nhưng giảm công lao động và năng suất tăng 20 – 25%.
Yếu tố thứ hai chính là môi trường sản xuất, môi trường sống an lành hơn cho sức khỏe của chính họ. Đây là điều mà mỗi nông dân canh tác trên ruộng rau đều có thể cảm nhận được.