- Tôi đang có một điều băn khoăn muốn hỏi luật sư. Tôi đang yêu một người đàn ông đã có con riêng. Tôi đã tiếp xúc với cháu bé thấy cháu rất dễ thương. Tôi muốn sau khi chúng tôi kết hôn sẽ nhận cháu làm con có được không? Vì hiện thời trong giấy khai sinh của cháu đang có tên của mẹ đẻ. Nếu tôi nhận làm con thì phải làm thế nào? Nếu tôi nhận làm con thì tên tôi có được để tên trên giấy khai sinh như mẹ không? Tôi muốn sau này con tôi đẻ và con anh ấy có cùng cha cùng mẹ.

Luật sư Nguyễn Thành Công trả lời: Bạn có thể nhận cháu bé làm con nuôi. Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi 2010 thì bạn thuộc hàng ưu tiên thứ nhất trong việc lựa chọn tìm gia đình thay thế cho trẻ em[Khoản 1 Điều 5]. Bạn có thể nhận con riêng của chồng mình làm con nuôi nếu cháu bé chưa đủ 18 tuổi [Điều 8].

Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Nuôi con nuôi đã có quy định về thẩm quyền và thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước. Trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi [Khoản 1 Điều 2 Nghị định 19/2011/NĐ-CP]. Bạn có thể lập hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi theo các Điều 17,18 Luật Nuôi con nuôi2010 và tiến hành thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi được quy định tại các Điều 7, 8, 9 và khoản 1, 3 Điều 10 của Nghị định 19/2011/NĐ-CP.

{keywords}
Ảnh minh họa
Bạn có thể đứng tên là mẹ nuôi trong khai sinh của con nhưng phải tuân thủ và thực hiện theo các thủ tục: Sau khi bạn hoàn tất thủ tục nhận nuôi con nuôi và được chính quyền xác nhận (được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn có đăng ký thường trú cấp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi), nếu bạn muốn thay đổi phần khai về người mẹ, từ mẹ đẻ sang mẹ nuôi trong Giấy khai sinh của cháu thì bạn phải làm thủ tục đăng ký lại Giấy khai sinh cho con nuôi theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch, cụ thể là:

Trường hợp có sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi, sự đồng ý của con nuôi từ 9 tuổi trở lên về việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi; thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ em đăng ký khai sinh lại cho con nuôi và thu hồi Giấy khai sinh cũ; tại cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ là cha mẹ nuôi.

Như vậy, bạn phải nộp các giấy tờ sau: 1) Bản sao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; 2) Văn bản đồng ý của mẹ đẻ cháu bé; 3) Bản chính Giấy khai sinh của cháu bé tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh của cháu bé để Ủy ban nhân dân cấp lại Giấy khai sinh cho cháu bé với phần khai về người mẹ đã được thay đổi theo đúng quy định.

Văn bản pháp luật liên quan

- Luật nuôi con nuôi 2010

- Nghị định 19/2011/NĐ-CP

Tư vấn bởi LS. Nguyễn Thành Công - Cty Đông Phương Luật, Đoàn Ls TP.HCM

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc