Căn bệnh khiến em không thể nói rõ, chữ viết cũng chẳng ai đọc được.
Đây là lần thứ 2 Huỳnh Thanh Nhi (22 tuổi) phải nhập viện điều trị căn bệnh viêm não tự miễn. Gặp em đúng lúc đang nằm “ngắm” trần nhà, bỗng nhiên như nhớ ra điều gì, cô gái trẻ bật cười khanh khách. Thấy có người lạ đến thăm, Nhi ngây dại nhìn. Trông em như một đứa trẻ 3 tuổi “lạc” trong hình hài của thiếu nữ, đang học cách tiếp xúc với thế giới lạ lẫm.
Thanh Nhi phát bệnh lần đầu cách đây 3 năm, khi mới 19 tuổi. Trước đó, khi đang học lớp 10, thấy cha đi làm hồ, công việc bấp bênh, mẹ sức khỏe vốn yếu, lại phát hiện bị u não, cô gái hiếu thảo nhiều lần xin cha mẹ cho nghỉ học để đi làm.
“Chẳng đành lòng cô ạ. Tôi kết hôn và có đứa con gái duy nhất khi đã gần 40, nào nỡ để con mình tương lai mù mịt. Nhưng nó quyết tâm rồi, chúng tôi ngăn không được”, cô Võ Thị Huệ, mẹ của Nhi tâm sự.
Lần tái phát này, chi phí điều trị của Thanh Nhi tốn kém hơn trước. |
Bác sĩ Khoa Nhiễm Việt Anh (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) cho biết, đây là căn bệnh mới được phát hiện chưa lâu, không tìm thấy trong tài liệu, sách vở, kể cả ở Việt Nam và trên thế giới. Vì vậy, các bác sĩ vừa điều trị theo phác đồ lấy từ kinh nghiệm của các bác sĩ nước Anh, vừa phải mày mò, nghiên cứu thêm. Đối với phác đồ điều trị đang được sử dụng hiện nay, phương pháp đầu tiên là sử dụng thuốc kháng viêm. Nếu không đáp ứng thì phải sử dụng đến những phương pháp cao hơn là thay huyết tương hoặc sử dụng thuốc đặc trị. Tuy nhiên, đây là 2 phương pháp không được bảo hiểm y tế hỗ trợ, cần chi phí rất lớn. |
Thanh Nhi làm kiểm hàng cho một công ty may tại Bình Dương. Tuy lương không cao nhưng tháng nào em cũng dành dụm gửi về phụ đỡ cha mẹ tiền thuốc thang. Căn bệnh ập đến bất ngờ khiến cuộc sống của cô gái trẻ và gia đình trở nên khốn đốn.
Cô Huệ chia sẻ: “Bệnh này lạ lắm cô ạ. Ban đầu con chỉ than mệt, rồi cả cơ thể cứ lụi dần, càng ngày càng nặng. Về sau con mất ý thức, hay gồng giật, cắn môi, tiêu tiểu không tự chủ.
Vợ chồng tôi đưa đi khám khắp các bệnh viện từ địa phương lên thành phố, hết 6-7 nơi mà vẫn không ra bệnh. Phải đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bác sĩ mới nói con bị viêm não tự miễn”.
Ở lần phát bệnh đầu tiên, do Nhi đáp ứng thuốc kháng viêm nên việc điều trị khá suôn sẻ. Chỉ sau hơn một tháng, em đã được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, vì sức khỏe vẫn còn yếu, em phải nghỉ dưỡng mất 3 năm. Mọi sinh hoạt của gia đình đều trông chờ vào đồng lương phụ hồ ít ỏi của cha.
Không nỡ để cha mẹ tuổi cao, sức yếu mà còn “gánh” thêm một miệng ăn là mình, Nhi lại xin đi Bình Dương làm thu ngân cho một cửa hàng bách hóa. Thế nhưng, còn chưa được bao lâu thì bệnh của em lại tái phát.
“Bác sĩ nói do công việc thu ngân áp lực quá, mà đầu óc con bé cứ nhớ nhớ, quên quên, thành ra khiến bệnh tái phát”, người mẹ thương xót, vuốt ve mái tóc con gái.
Lần này, cơ thể của Thanh Nhi không đáp ứng thuốc kháng viêm, các bác sĩ tính sẽ phải sử dụng phương pháp dùng thuốc đặc trị. Chi phí dự kiến lên tới 100 triệu đồng.
Gia đình cô Huệ vốn là hộ nghèo lâu năm ở địa phương. Chỉ vài tháng trước, khi Thanh Nhi đi làm trở lại, gia đình cô được cho “thoát nghèo”. Thế nhưng, sự bần cùng lại muốn đeo đẳng cuộc sống của họ mãi, nên mới khiến con gái nhỏ của họ chịu khổ cực như vậy.
Chỉ có một cô con gái hiếm muộn, cô Huệ sợ hãi mình sẽ mất con mãi mãi |
Số tiền nợ từ vài năm trước vẫn chưa trả được. Giờ đây, để có tiền đưa con đi chữa bệnh, hai vợ chồng già phải nhờ vả, vay mượn khắp họ hàng và những người thân quen được 20 triệu đồng, nhưng đã hết sạch. Khi nghe bác sĩ nói chi phí sắp tới điều trị lên tới 100 triệu đồng, người mẹ mếu máo gọi điện thoại cho chồng lo liệu.
“Lúc đó không phải tôi xót tiền, mà là lo quá cô ạ. Vì quê nghèo, người thân quen chẳng ai có điều kiện để cho mình vay nhiều đến thế. Nếu không lo kịp tiền để chữa trị, bệnh con gái tôi có thể trở nặng dẫn đến tử vong”, bà Huệ giãi bày.
Đúng như bà dự liệu, chồng bà ở quê vay mãi cũng chỉ được 5 triệu đồng. May nhờ chính quyền và người dân địa phương đứng ra kêu gọi giúp đỡ được hơn 40 triệu. Đến nay, gia đình bà mới đóng tạm ứng được 50 triệu đồng.
“Tôi hỏi bác sĩ có thể “đánh” thuốc dần cho con không mà bác nói không được, phải đủ liệu trình mới hiệu quả. Giờ vợ chồng tôi biết đào đâu ra tiền cô ơi!”, người mẹ nghẹn lời.
Khánh Hòa
1. Gửi trực tiếp: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM; Hoặc cô Võ Thị Huệ; Địa chỉ: Ấp K9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp; Điện thoại: 0399230354.
2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ MS 2020.314 (em Huỳnh Thanh Nhi)
Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
- Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
- Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam
- SWIFT code: BFTVVNV X
- Qua TK ngân hàng Viettinbank:
Chuyển khoản: Báo VietNamnet
Số tài khoản: 114000161718
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa
- Chuyển tiền từ nước ngoài:
Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch
- Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội
- Swift code: ICBVVNVX126
3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM. SĐT: 028 3818 1436.
Xin giúp đứa trẻ bệnh tật, cần gấp 250 triệu đồng phẫu thuật ghép gan
Cái nắng gay gắt của Sài Gòn mùa khô càng khiến cho Hoàng thêm khó chịu. Trên chiếc giường tạm ngoài hành lang bệnh viện, con quằn quại, ọ ẹ khóc. Tiếng khóc nhỏ như mèo kêu.