- Mẹ tôi đứng trước mặt, nhìn thông gia đánh con mình, chắc là đau đến tận tim nên chảy nước mắt mà lao ra khỏi nhà.
Tôi là dân tỉnh lẻ. Bố mẹ đẻ của tôi nghèo và quá đông con. Khi gả tôi về Hà Nội, bố mẹ tôi chỉ cố gắng vay mượn cho tôi 2 chỉ vàng làm của hồi môn. Gia đình chồng tôi khá hơn. Họ trao cho tôi cả cây vàng trước mặt họ hàng đôi bên. Nhưng cưới xong, bố mẹ chồng đòi lại.
Họ bảo, để họ giữ hộ chứ chúng tôi trẻ người non dạ không biết giữ gìn. Tôi đưa số vàng cưới cho mẹ chồng mà trong lòng không vui tẹo nào.
Sau đó, chưa kịp xin việc đi làm thì bố mẹ chồng khuyên tôi ở nhà bán hàng, vì bố mẹ chồng tôi có một cửa hàng tạp hóa. Thế là tôi phải ở nhà làm thân trâu ngựa, bán hàng và làm ôsin cho cả gia đình. Tôi không được giữ một đồng tiền nào, kể cả là tiền đi chợ.
Bên cạnh đó, tôi lại chưa có con dù đám cưới đã diễn ra từ 4 năm và trước. Vì thế, mẹ chồng khó chịu với tôi lắm. Bà luôn tìm cách mai mối những cô trẻ đẹp ở lớp học erobic của bà cho chồng tôi.
Tôi phẫn uất nhưng vẫn câm lặng vì mình kém cỏi hơn chồng và gia đình chồng. Cũng may chồng tôi là người tử tế, anh không bồ bịch theo ý của bà mà cùng tôi chữa trị hiếm muộn ở khắp các bệnh viện.
Ảnh minh họa |
Đến năm thứ 4 của cuộc hôn nhân, tức là năm ngoái. Tôi mang thai một bé trai. Cứ nghĩ, việc sinh đẻ sẽ khiến tôi có chút vị trí trong gia đình của chồng nhưng không phải. Những mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng càng lớn dần.
Mẹ chồng tôi không ưng tôi từ cái cách tôi bế con đến cách hát ru con. Tôi sinh con được 10 ngày mà bà bắt tôi phải tự tay giặt giũ, cơm nước, lau dọn nhà cửa và tắm rửa cho cả 2 đứa cháu nội của bà. Nhà anh chị chồng tôi ở tòa chung cư bên cạnh, ngày nào anh chị đi làm về muộn nên gửi bà. Bà bận đi tập erobic nên bắt tôi phải đảm nhận công việc tắm cho các cháu và cho các cháu ăn.
Phải nói, nếu lúc khỏe mạnh, tôi không nề hà gì những việc đó nhưng vừa sinh nở song, tôi cảm thấy mệt mỏi và bức xúc vô cùng. Mẹ tôi xuống, nhìn tôi mới sinh chưa được nửa tháng mà xoay sở cơm nước rồi lại lo tắm giặt cho con, cho cháu mà chảy nước mắt.
Buổi tối, mẹ tôi bàn với vợ chồng tôi và xin bố mẹ chồng cho tôi về ngoại để tiện chăm sóc. Ai ngờ, cuộc nói chuyện thông gia trở thành buổi nói chuyện để mẹ chồng sỉ nhục mẹ tôi.
Mẹ chồng tôi bảo, bà không đồng ý để cháu nội bà về “cái xó nhà quê ấy”. Còn tôi, nếu muốn trốn tránh công việc thì có thể dọn quần áo đi khỏi nhà và không cần quay lại nữa.
Nghĩ thông gia đang chê bai gia đình mình và hiểu lầm con gái nên mẹ tôi cũng nói chuyện đầu cuối phải trái. Ai ngờ, mẹ chồng tôi càng lên mặt dạy dỗ mẹ tôi.
Tôi nằm trong nhà, thấy mẹ mình bị coi thường nên đã đặt con và dự định ra phòng khách thưa chuyện với mẹ chồng để bà bớt nóng. Tuy nhiên, vừa ra đến phòng khách, tôi chưa kịp hé răng câu nào thì mẹ chồng tôi đã sấn sổ. Bà chỉ vào mặt tôi mà chửi.
Nào là, “ăn cháo đá bát”, chưa gì đã “qua cầu rút ván”. Rồi bà nguyền rủa loại con dâu như tôi thì sớm muộn gì cũng gặp quả báo. Bà bảo, bà vừa chăm sóc cho tôi cả chục ngày liền. Trước đó thì nuôi báo cô tôi cả mấy năm trời, vậy mà chưa báo đáp được gì cho bố mẹ chồng đã tỏ thái độ chống đối, đòi về ngoại cho rảnh thân.
Tôi giải thích với bà và nhắc bà đừng nói những lời quá nặng nề như vậy thì bà xông vào tát tôi. Mẹ tôi đứng trước mặt, nhìn thông gia đánh con mình, chắc là đau đến tận tim nên chảy nước mắt mà lao ra khỏi nhà.
Tôi nhìn thấy mẹ chạy đi mà căm phẫn mẹ chồng đến tận xương. Tôi gào lên rồi lao vào phòng ôm con và chạy đi theo mẹ nhưng đúng lúc chồng tôi về. Tối đó, anh khuyên tôi nên ra gặp mẹ chồng để xin lỗi nhưng tôi không đồng ý. Tôi chưa làm gì và không nói gì sai để phải xin lỗi bà.
Tôi điện cho mẹ tôi và khóc nức nở. Mẹ tôi cũng khóc rồi động viên tôi. Bà bảo, nếu cuộc sống quá khó khăn và bị người ta khinh rẻ, hãy về nhà với bà. Mỗi con người chỉ có một cuộc đời. Mẹ tôi sẽ không thể sống nổi nếu trong căn nhà giàu sang ấy, tôi không bằng một đứa con ở.
Tôi thấy nghĩ ngợi quá. Tôi không biết phải làm gì lúc này nữa?
Lê Na (Yên Bái)