Đọc bài viết của anh Nguyễn Đức Quang với 10 điều khuyên con gái khi bước vào tuổi kết hôn, tôi cảm thấy anh là một người cha luôn yêu thương, bảo vệ con, mong muốn con được sống là chính mình và hạnh phúc bên người bạn đời. Nhưng cuộc sống thực tế chưa bao giờ đơn giản như thế.
Tôi là một người mẹ có con gái (dù con tôi còn nhỏ), gia đình tôi ở riêng ngay từ khi mới lấy nhau nhưng tôi thấy hôn nhân là sợi dây ràng buộc rất nhiều mối quan hệ, đặc biệt là bố mẹ 2 bên, họ hàng chỉ ảnh hưởng một phần rất nhỏ.
Tôi đồng tình với anh ở điều 1: Lấy nhau tự nguyện không xét nét đến gia cảnh, tài chính nhà người yêu; điều 10: Dù xảy ra vấn đề gì thì con hãy trở về nhà, bố mẹ luôn dang tay chào đón con cháu mình.
Dù xã hội ngày càng văn minh và hiện đại thì sự liên hệ mật thiết giữa các thành viên trong gia đình vẫn nên duy trì. Tôi đi lấy chồng, lúc nào cũng thích về nhà bố mẹ đẻ, thăm nhà, thăm bố mẹ và họ hàng nhà mình cùng chồng con. Chồng tôi cũng thế, anh cũng thích đưa vợ con về quê vào dịp lễ tết.
Nếu xảy ra mâu thuẫn con dâu với gia đình chồng, con rể với gia đình vợ thì đương nhiên không ai thích về. Mâu thuẫn không được hóa giải, nhiều nhà bố mẹ và các con từ mặt nhau rất chua xót, cay đắng.
Không ít cặp vợ chồng tan vỡ vì không thể dung hòa mối quan hệ giữa bố mẹ chồng - nàng dâu, bố mẹ vợ - con rể. Khi mẹ chồng lên chăm con dâu, chăm cháu xảy ra vô số va chạm, xung đột làm rạn nứt mối quan hệ vốn đã không đằm thắm từ trước. Thực ra, từng trải qua việc chăm sóc nuôi nấng con thơ, tôi hiểu việc chăm trẻ rất vất vả. Khi mọi việc đến tay, mệt quá thì mẹ chồng - nàng dâu hay mặt nặng mày nhẹ, xung đột, mâu thuẫn. Lúc ấy, người con dâu phải biết lựa, chứ không thể nhất nhất theo ý mình.
Anh dạy con đề cao quyền tự do, tự chủ khi con có gia đình riêng, điều ấy thật đáng quý. Nhưng sự thật là, các ông bà nội ngoại luôn muốn áp dụng kinh nghiệm sống của mình để dạy trẻ nhỏ và điều ấy cũng không có gì quá đáng.
Chỉ cần người con dâu khéo léo trình bày nguyện vọng và phương pháp dạy con với ông bà thì sẽ giữ được hòa khí gia đình. Nếu cô ấy thẳng thừng: “Đây là con của con, ông bà không được dạy cháu thế này, thế kia…” thì e rằng sóng gió ngầm sẽ chẳng mấy tích tụ thành bão táp. Một số bà mẹ chồng ghê gớm sẽ thẳng tay chỉ mặt nói với con trai là: “Mẹ chỉ có một chứ vợ không đứa này có đứa khác, thay được ngay…”.
Ngay cả mối quan hệ thông gia, tôi nghĩ rằng chỉ khi các con đường ai nấy đi thì mới không cần quan hệ. Quan hệ thông gia chỉ không ổn khi quan hệ của vợ chồng trẻ trục trặc, bố mẹ nào cũng bênh con mình. Còn chỉ vì thấy trái tai gai mắt mà phớt lờ, bỏ mặc mối quan hệ thông gia, tôi nghĩ không ổn.
Thực ra thông gia cũng chỉ gặp nhau khi bên nhà các con có việc hiếu hỉ để chia sẻ buồn vui. Đến hàng xóm láng giềng còn có mặt thì thông gia 2 bên gia đình càng nên đến với nhau, cũng là cách để con cái nhìn vào sự đối đãi này mà quý trọng hơn người bạn đời của mình.
Khi con gái đi lấy chồng, bố mẹ có thêm con rể, chứ không phải thêm bạn bè nên tôi không thích quan điểm rạch ròi sòng phẳng của anh Quang ở điều 5: "Giữa bố mẹ và cậu ấy là quan hệ bạn bè, không phải quan hệ gia đình bố - con, mẹ - con. Bố mẹ không đẻ ra cậu ấy nên không phải là bố mẹ của cậu ấy và cậu ấy không phải là con của bố mẹ".
Mối quan hệ hôn nhân muốn duy trì bền vững thì cần có sự chấp nhận thành viên mới từ bố mẹ 2 bên: Gia đình có thêm con dâu, con rể. Và bố mẹ cũng sẽ âm thầm chúc phúc, vun đắp cho tổ ấm của 2 con bằng tình cảm và vật chất (nếu bố mẹ có điều kiện).
Chắc chắn là con dâu, con rể không thể nào có tình cảm sâu đậm, khăng khít với bố mẹ vợ, bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ của mình. Nhưng họ cũng sẽ đón nhận, thay đổi một phần bản thân để thích nghi với hoàn cảnh sống mới: từ nay mình có thêm bố mẹ. Và hôn nhân đâu chỉ có tình yêu, đó còn là trách nhiệm với bạn đời, với con cái, với bố mẹ họ hàng hai bên nội - ngoại.
Khi con gái tôi trưởng thành, yêu đương tôi sẽ chỉ khuyên con mình rằng: hãy lựa chọn người yêu bằng trái tim và duy trì hôn nhân bằng lý trí. Tốt nhất là con tự chủ về tài chính, có công việc đàng hoàng, nên sống riêng và có trách nhiệm với bố mẹ hai bên. Cuộc sống gia đình sẽ trải qua thăng trầm, biến cố và con hãy dũng cảm vượt qua khó khăn vì hạnh phúc của chính bản thân mình. Hãy luôn là chính mình, đừng vì có chồng, có con mà bỏ hết sở thích và đam mê của bản thân.
Nguyễn Thị Loan (Hà Nội)
Ban biên tập mời độc giả gửi chia sẻ của mình về chủ đề này qua email: [email protected]. |