- Chồng tôi dù đã đi du học gần 10 năm nhưng bản chất con nhà nông vẫn không hề thay đổi. Bởi đã trót yêu khi còn cùng là du học sinh, sau khi về nước, biết gia cảnh nhà anh, tôi vẫn chấp nhận cưới.

TIN BÀI KHÁC

Tôi sinh ra trong gia đình có điều kiện, lại là con út nên được gia đình cưng chiều hết mực. Còn anh thì ngược lại, bởi nhà quá nghèo, anh chỉ có một cách vượt khó duy nhất là học thật giỏi, kiếm học bổng sang nước ngoài. Chúng tôi gặp và yêu nhau khi đang cùng thực tập tại một trường Đại học.

Nhưng người học giỏi chưa chắc đã kiếm ra nhiều tiền. Sau khi tốt nghiệp, được trường Đại học giữ lại làm giảng viên với mức lương hấp dẫn, anh vẫn từ chối dù tôi đã tìm đủ mọi cách thuyết phục. Anh nói mình đã đi lâu, giờ là lúc về Việt Nam báo hiếu. Vì quá yêu và tin tưởng, tôi đành khăn gói cùng anh về nước.

Nhưng về nhà, với bằng tiến sĩ trong tay, anh vẫn lận đận không tìm được việc. Bởi từ trước đến giờ, những gì anh được học hoàn toàn trên sách vở, không có một chút kiến thức thực tế. Đi đến đâu, anh cũng chê bai lối làm việc không khoa học, quy củ. Nửa năm sau khi về nước, anh vẫn chưa có một việc làm ổn định.

Cũng vì chính điều này, khi biết mối quan hệ của chúng tôi, mẹ tôi đã phản đối ra mặt. Bà cho rằng anh chỉ là thằng mọt sách, gia cảnh tầm thường, nếu tôi lấy anh sẽ khổ cả đời. Nhưng vì quá yêu, tôi đã thuyết phục bố mẹ đồng ý cho chúng tôi kết hôn, với điều kiện anh sẽ làm việc trong công ty của bố tôi.

{keywords}
Tôi mệt mỏi vì thói nhà quê của bố mẹ chồng (Ảnh minh họa)

Anh vui vẻ chấp nhận, vì vừa có việc làm, vừa được lấy vợ. Nhưng kết hôn rồi, tôi mới phát hiện, giữa hai gia đình chúng tôi có quá nhiều điểm khác biệt. Cưới được nửa năm, sống chung cùng bố mẹ chồng, tôi cảm thấy cuộc sống giống như cực hình.

Mỗi sáng, trong khi nhà anh nấu đủ thứ thức ăn, thì tôi chỉ ăn bánh mì và ít sữa theo thói quen. Thấy vậy, mẹ chồng lườm nguýt, nói tôi “dở thói tiểu thư”. Ăn xong, bố chồng thản nhiên súc miệng bát nước chè rồi nhổ toẹt ra sàn nhà. Tôi để ý thấy gạch ố vàng, hôi hám. Vậy mà chồng tôi, dù đã tiếp xúc với văn hóa châu Âu nhiều năm vẫn có thể chịu đựng được.

Chuyện ăn uống không phù hợp tôi vẫn có thể tìm cách giải quyết, chẳng hạn về nhà bố mẹ đẻ, hay ra ngoài ăn, nhưng những điều sinh hoạt nhỏ nhặt thường ngày lại là nguyên nhân chính khiến tôi mệt mỏi.

Tôi bắt đầu sợ cái nhìn khắt khe của mẹ chồng, mỗi khi bà thấy tôi mua sắm món đồ gì đó. Với bà, những thứ có giá trị bằng tiền ăn cả tháng của một nhà ở quê. Nhưng tôi làm ra tiền, bố mẹ đẻ chiều chuộng, không lẽ tôi không được phép tiêu theo ý thích?

Chưa kể, tự tay bỏ tiền ra mua đồ điện gia dụng trong nhà như máy giặt, ti vi, tủ lạnh, nhưng tôi cũng không được phép sử dụng thoải mái, bởi gia đình chồng tôi vô cùng tiết kiệm, tiền điện tháng nào bà cũng soi rất kỹ, tăng một tý là bà than. Tôi cảm thấy ức chế vô cùng.

Không chỉ vậy, dù cả hai cùng đi làm, nhưng trong mắt mẹ chồng, chỉ có con trai bà mới là người vất vả. Đi làm về mệt thế nào, tôi vẫn phải vào bếp nấu ăn, dù hai ông bà ở nhà cả ngày. Có lần bị ốm, tôi không nấu được thì phải hứng chịu những lời chì chiết của mẹ chồng “Người ta có phúc lấy được vợ đảm, còn nhà này thì rước của nợ vào thân”.

Dù đã rất cố gắng nhẫn nhịn, thu vén cuộc sống, lấy lòng gia đình chồng nhưng sau một thời gian, mọi chuyện vẫn chưa có gì tiến triển. Chồng tôi vẫn vô tư cười nói, cuộc sống vợ chồng tưởng như không có gì phải lo nghĩ mà thật ra tôi cảm thấy khổ sở trăm bề. Mẹ chồng vẫn không ngừng gây khó dễ, ép tôi phải sống theo lối sống của gia đình bà.

Hiện tại, bố mẹ cả hai bên đều đang giục mau có cháu, nhưng thật lòng tôi không hề muốn. Có con, biết đâu cuộc sống của con tôi cũng bị gò bó, hạn chế như mẹ nó. Ý định ly hôn thoáng qua, nhưng tôi cũng không dám nghĩ quá nhiều, bởi chính tôi cũng không biết nên làm thế nào với hoàn cảnh của mình nữa.

Huyền Thu

Bạn đọc có thể chia sẻ tâm sự của mình về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống cho chuyên mục Chuyện chung, chuyện riêng. Bài viết gửi về địa chỉ [email protected]