Cà rốt sinh thiếu tháng nên thường xuyên nằm viện, thế mà cũng chỉ hai vợ chồng thay phiên nhau chăm con chứ bên nội cũng chẳng ngó ngàng tới. Vậy mà tới khi gởi bé đi học thì Loan không ngờ đã gây ra chiến tranh thật sự giữa cô và mẹ chồng.

Nhìn mẹ chồng ngúng nguẩy bỏ đi mà Loan tức chảy nước mắt. Loan và Thành cưới nhau tới gần cả năm mới có con nên cả hai đều rất thương bé. Nhưng khi ấy, bên nội đã có tới 4 đứa cháu nên sự ra đời và lớn lên của Cà rốt chẳng có gì quan trọng. Cà rốt sinh thiếu tháng nên thường xuyên nằm viện, thế mà cũng chỉ hai vợ chồng thay phiên nhau chăm con chứ bên nội cũng chẳng ngó ngàng tới. Vậy mà tới khi gửi bé đi học thì Loan không ngờ đã gây ra chiến tranh thật sự giữa cô và mẹ chồng.

{keywords}

Ảnh minh họa

Khi Cà rốt được 15 tháng, bé mới biết đi nên rất nghịch ngợm, bà ngoại tuổi đã cao nên không thể chạy theo nổi cậu bé. Bí đường, Loan đánh bạo hỏi mẹ chồng thì nhận lại câu: “Tìm chỗ mà gửi, mẹ không rảnh, giữ mấy đứa lớn kia rồi giờ tới thằng nhỏ. Mẹ không giữ nổi”.

Nghe mẹ chồng nói mà Loan thấy ấm ức, khó chịu. Tại sao trước đây bà giữ được những đứa cháu khác, còn Cà rốt thì bà lại không chịu giữ giúp. Cô cũng đâu phải dạng con dâu hung hỗn với gia đình chồng, thậm chí ở xóm, dòng họ nhà chồng và cả mẹ chồng cũng hay khen cô. Có lần cô còn nghe mẹ chồng nói với bà cô rằng trong những đứa con dâu, bà thương nhất là cô. Vậy mà không chịu giữ giúp bé để vợ chồng cô đi làm.

Tuy khó chịu nhưng Loan cũng không dám thể hiện ra mặt, chỉ nhẹ nhàng nhờ mẹ hỏi thăm giúp có chỗ nào an toàn, người giữ bé hiền lành thì chỉ cho cô, tiền bạc không quan trọng, chỉ cần giữ bé tốt là được. Thấy mẹ chồng cô ậm ừ đồng ý, cô cũng yên tâm.

Thế nhưng cả tuần trôi qua vẫn không nghe mẹ chồng đả động gì tới việc này, trong khi bà ngoại ngày nào cũng than đau lưng vì phải chạy theo giữ cháu. Bấm bụng, Loan hỏi mẹ chồng thì những lời mẹ chồng nói giống như mũi dao đâm vào trái tim và tình yêu thương cô dành cho bà. “Bà ngoại giữ được thì để cho bà ngoại giữ, việc gì phải gửi nó. Nó còn nhỏ, gởi lại tốn tiền mà không an toàn như người nhà giữ được. Mẹ thấy cứ để ngoại giữ cho tới khi đủ tuổi đi học luôn con à”.

Hóa ra, vì thấy bà ngoại thương cháu quá nên mẹ chồng cô có ý lợi dụng, trong khi mẹ Loan thường hay đau lưng, tuổi lại cao hơn mẹ chồng cô. Mẹ chồng Loan cũng chẳng phải bận rộn gì cho cam, chỉ chăm mấy con heo mà suốt ngày than thở, kêu mệt. Thương mẹ, Loan đành nói với chồng tự tìm chỗ mà gửi con cho bà ngoại bớt cực. Hỏi thăm nhiều người, cuối cùng hai vợ chồng quyết định cho con học trường dòng của các sơ bên nhà thờ.

Vừa Nghe Loan nói gửi con học trường dòng, mẹ chồng cô đã thay đổi thái độ ngay tức thì. Bà lớn tiếng mắng cô giữa bữa ăn có mặt những chị em bạn dâu khác mà không hề nghĩ đến cảm giác của cô: “Trường dòng khác gì nhà tù, thằng nhỏ có phải phạm nhân đâu mà đưa vào trong đó. Tụi mày làm gì cũng không hỏi ý kiến ai, đã bảo để cho bà ngoại giữ. Gửi đi cho mấy bà sơ đánh thằng nhỏ cho tụi mày vừa lòng”.

Chồng Loan nghe mẹ nói thế thì dằn mạnh chén cơm xuống bàn cãi lại: “Hồi trước nhờ mẹ hỏi giúp sao mẹ không hỏi, giờ tụi con quyết định thì mẹ mắng mỏ này kia. Nói như mẹ thì những đứa trẻ bên trường đều là phạm nhân hết sao. Bà ngoại nó đâu phải khỏe mạnh như mẹ, tại sao mẹ không giữ. Mẹ không giữ được thì cũng đừng xen vào chuyện này nữa”.

{keywords}

Ảnh minh họa

“Tao nuôi mày lớn để mày bênh vợ mày như vậy hả? Đồ con bất hiếu, bước ra khỏi nhà này. Đi ngay”. Thấy mẹ chồng lớn tiếng, chồng thì tức giận, Loan đành kéo chồng về, bỏ dở bữa ăn chung mà nước mắt cứ trào ra.

Vì bé mới bắt đầu tập quen với việc đi nhà trẻ nên khóc rất dữ dội. Trưa nào, Loan cũng phải chạy đến đón bé về nhà, rồi chiều lại chở bé qua cho bé học, còn cô đi làm. Bên nội tuyệt đối không ai đón giúp, dù chỗ làm cô cách nhà tới 15km, mà trường học lại đi ngược đường thêm 5 km nữa.

Đi về 5 ngày như thế thì Cà rốt đổ bệnh. Thế là hai vợ chồng lại tất tả chăm con. Mẹ chồng cô lên nhìn cháu qua loa rồi buông lời: “Đã nói mà không nghe, cứ để bà ngoại giữ thì đâu có chuyện gì xảy ra”, Loan nghe mà lòng càng buồn hơn nhưng cô nín nhịn để không mang tiếng hỗn với mẹ chồng.

Hết bệnh, Cà rốt bắt đầu đi học lại. Trưa đó, sơ giữ bé gọi điện cho chồng cô nói tới chở bé về vì bé khóc quá, mấy bé khác không ngủ được. Chồng cô gọi cho cô tới đón bé nhưng hôm đó, trường cô lại tổ chức liên hoan nên đành nhờ ông nội đón giúp.

Chiều đi làm về, Loan đã nghe tiếng mẹ chồng mắng xa xả trong nhà: “Con ai nấy lo, hành hạ người khác mất giấc ngủ. Cứ khóc là bắt chở về, vậy gửi để làm gì. Qua đó lấy lại tiền và xin cho nó nghỉ. Không ai rảnh đâu mà hành hạ như vậy, trưa nắng đi tới đi lui. Để tao hỏi chỗ này, gửi giữ một đứa mà giá tiền lại rẻ hơn chỗ đó, đi ngay đi”.

Vậy là Loan phải qua trường dòng xin cho bé nghỉ. Nhưng nghe các sơ nói cũng do các sơ vô ý để bé ngủ lâu quá nên trưa bé không ngủ nữa, với lại đâu phải hôm nào cũng chở qua chở lại về như thế, chỉ khi nào cháu khóc quá mới yêu cầu gia đình thế thôi. Loan lại mềm lòng cho con tiếp tục học.

Về nói lại, mẹ chồng cô đã nhăn mặt rồi nói: “Tùy mày, nhưng từ nay về sau, không ai đi đón nó nữa đâu, hai vợ chồng mày tự mà liệu”. Nhìn mẹ chồng ngúng nguẩy bỏ đi mà nước mắt Loan cứ trào ra. Cũng là cháu, tại sao bà lại đứa thương đứa ghét. Chỉ nhờ chở cháu có một hôm là làm ầm ầm mọi chuyện lên. Loan thật sự không hiểu.

(Theo Trí thức trẻ)