Tôi là một độc giả lớn tuổi, năm nay đã gần 60. Hôm nay, tôi có đọc được bài viết của anh Nguyễn Đức Quang chia sẻ về chuyện dạy con gái cách chọn chồng. Đọc bài của anh Quang xong, tôi có mấy ý muốn chia sẻ dưới đây, hi vọng đóng góp thêm ý kiến từ góc độ một người già, một bà mẹ chồng kiêm mẹ vợ.
Tôi cũng xin phép giới thiệu, tôi từng là giáo viên, đã về hưu được vài năm. Tôi có cả con trai lẫn con gái, nghĩa là tôi vừa được làm mẹ chồng, vừa được làm mẹ vợ. Các con tôi đều ngoan ngoãn, có công ăn việc làm ổn định.
Tôi tự đánh giá mình cũng không đến nỗi là một bà già khó tính, bảo thủ. Con trai lấy vợ, tôi ủng hộ 2 vợ chồng chúng nó ra ở riêng. Con mua nhà, tôi cho 2 đứa vài trăm triệu, cho vay thêm vài trăm nữa. Tôi cũng nói luôn với các con là nếu các con thấy hài lòng thì nhận, mà thích tự lập thì có thể không nhận, mẹ để các con tự quyết định. Dù các con nhận hay không thì mối quan hệ mẹ con vẫn như vậy, không có gì thay đổi.
Tôi kể chuyện này là để các bạn biết rằng tôi không phải là một bà mẹ chồng cổ hủ, thích áp đặt các con. Tuy nhiên, khi đọc bài viết của anh Quang thì tôi vẫn thấy quan điểm của anh có phần cực đoan và cứng nhắc quá.
Về cơ bản, tôi đồng ý với ý kiến của anh cho rằng các con đã có gia đình riêng thì độc lập về kinh tế, cảm xúc và các mối quan hệ cá nhân. Bản thân vợ chồng tôi cũng không yêu cầu con cái phải phụng dưỡng, chăm sóc báo hiếu bố mẹ. Khi nào không thể chăm sóc được mình, chúng tôi vẫn có tiền thuê người hoặc vào viện dưỡng lão.
Nhưng đọc hết 9-10 điều của anh, tôi có cảm giác anh đang dạy con gái chọn thế đối đầu với nhà chồng ngay từ đầu. Mọi thứ anh nói đều là “không có quyền”, “không được phép”, tôi nghe rất là căng thẳng và khó lọt tai.
Tôi cũng có con gái. Tôi không dạy con phải nín nhịn, cam chịu như quan niệm ngày xưa, nhưng khi con đi lấy chồng, tôi luôn nói con nên khéo léo cư xử với chồng và gia đình chồng sao cho hài hoà cả hai bên. Nếu có điều gì không hài lòng, con nên nêu ý kiến của mình một cách nhẹ nhàng, bình tĩnh, có thể là trực tiếp, có thể là thông qua chồng con để tìm ra phương án tối ưu. Chẳng phải người ta vẫn nói học tập là để học cách cùng chung sống với người khác hay sao? Các con được ăn học đàng hoàng, được bố mẹ dạy cho cách cư xử từ nhỏ thì tại sao lại phải chọn cách cư xử căng thẳng và lạnh lùng với người khác như vậy? Chưa kể, đây còn là mối quan hệ trong gia đình, là những người đẻ ra vợ/chồng các con.
Tôi nghĩ là nếu bất cứ cô con dâu hay chàng rể nào mà làm như anh Quang nói - tức là coi gia đình nhà chồng/vợ là một đối tượng không liên quan gì đến mình, mình không có quyền hay nghĩa vụ gì với họ, thì ngay từ khi bước chân vào cuộc hôn nhân, các cháu đã tự đưa mình vào trong một mối quan hệ căng thẳng không cần thiết.
Mà điều đó không chỉ đúng với quan hệ trong gia đình. Bất kể khi các cháu ở đâu - đi làm trong môi trường công sở hay vui chơi trong một tập thể, việc tìm cách hoà hợp, thích nghi cũng là điều đương nhiên các cháu phải làm. Để trở thành thành viên trong một tập thể, ai cũng phải học cách thuyết phục người khác, hạ cái tôi của mình xuống, chấp nhận sự khác biệt của đối phương. Vậy thì khi các con chấp nhận bước chân vào một mối quan hệ quan trọng như tạo lập gia đình riêng, tại sao anh lại khuyên các con sống một mình một phách, đặt cái tôi của mình lên trên hết như vậy?
Anh nói, các con không có quyền bắt người kia phải ở cùng với gia đình hai bên một ngày nào nếu bên kia không thích. Thực tình, tôi nghĩ các ông bố bà mẹ bây giờ cũng khá là hiện đại, văn minh rồi. Họ không còn bắt các con cứ cuối tuần hay lễ tết là phải về nhà "diện kiến" nữa đâu. Nhưng nếu có một dịp nào đó, chúng tôi muốn các con về thăm nhà 1-2 ngày thì cũng chỉ vì nhớ con cháu quá, muốn có thêm cơ hội trò chuyện, gắn bó với dâu rể hơn một chút thì cũng là chuyện bình thường.
Tôi thấy anh là thầy giáo, chắc anh cũng dạy các học trò và con cái mình biết yêu thương mọi người xung quanh, yêu thương đồng loại. Chả lẽ việc về thăm bố mẹ già 2-3 tháng một lần là quá khó? Bố mẹ già mong ngóng con cháu về tề tựu để trò chuyện, để cùng nhau chia sẻ mà các con còn không làm được thì chúng còn có thể yêu thương được ai hả anh?
Tóm lại, quan điểm của tôi là các con hãy tìm cách hoà hợp thay vì đối đầu và kiên quyết làm theo ý muốn của mình. Chúng tôi tuy già nhưng hằng ngày cũng được tiếp xúc với những tư tưởng, lối sống hiện đại thông qua sách báo, truyền hình nên không còn đến mức bảo thủ, độc hại như anh Quang nói đâu. Chúng tôi sẽ rất vui nếu có thêm một cô con dâu, một chàng rể bước chân vào gia đình mình để cùng nhau chia sẻ và yêu thương.
Độc giả Lan Hương (Hà Nội)
Ban biên tập mời độc giả gửi chia sẻ của mình về chủ đề này qua email: [email protected]. |