Cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang nóng lên từng ngày, với sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhà đầu tư nội vào cuộc

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thái Bình Dương (IPP) của triệu phú đô la Johnathan Hạnh Nguyễn là nhà đầu tư nội địa mới nhất gia nhập cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của ACV - đơn vị đang quản lý 25 cảng hàng không trên khắp cả nước. Trong văn bản gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào đầu tuần trước, bà Lê Hồng Thủy Tiên, người đại diện pháp luật của IPP cho biết, nhà đầu tư này muốn trở thành cổ đông chiến lược của ACV, với tỷ lệ cổ phần tham gia là 5% vốn điều lệ.

IPP đang hợp tác và đại diện phân phối chính thức hoặc độc quyền 60 thương hiệu hàng đầu trên thế giới tại Việt Nam. Nhà đầu tư này cũng được giới kinh doanh trong nước biết đến nhờ việc kinh doanh thành công các dịch vụ phi hàng không tại các sân bay Manila (Philippines), Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc và có thỏa thuận hợp tác với đơn vị điều hành sân bay Incheon (Hàn Quốc) về hỗ trợ điều hành hoạt động của các cảng hàng không tại Việt Nam.

{keywords}

“Nếu được chọn là nhà đầu tư chiến lược, IPP sẽ hỗ trợ ACV về quản trị doanh nghiệp, phát triển thị trường và không chuyển nhượng cổ phần mua trong thời hạn tối thiểu 10 năm”, bà Thủy Tiên cam kết.

Trước đó, cuối tháng 12/2015, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà đã gửi thư tới Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, ngân hàng này muốn trở thành cổ đông chiến lược của ACV bằng việc đầu tư vốn góp với mức sở hữu khoảng 5% vốn điều lệ của ACV sau khi cổ phần hóa.

BIDV, theo khẳng định của ông Hà, hiện có tổng tài sản lên tới 35 tỷ USD, vốn chủ sở hữu 1,85 tỷ USD, có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không khi là cổ đông lớn của Công ty Cho thuê máy bay Việt Nam.

Lời đề nghị được đồng hành với đơn vị khai thác cảng hàng không của BIDV là rất hấp dẫn khi ngân hàng TMCP lớn thứ hai tại Việt Nam cam kết cung cấp cho ACV khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD, với thời hạn dài, lãi suất hợp lý, cạnh tranh để đầu tư vào Sân bay Long Thành. Chủ tịch BIDV thậm chí còn sẵn sàng ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện, lâu dài với chủ cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Nhà đầu tư ngoại chiếm ưu thế

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nội, trong đó có cả BIDV, dù có vốn chủ sở hữu tới 1,85 tỷ USD, cũng không có nhiều hy vọng trong cuộc đua sở hữu 20% cổ phần ACV thông qua hình thức bán chiến lược. Bởi theo tiêu chí, trình tự lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của ACV do Bộ GTVT ban hành vào cuối tháng 11/2015, các nhà đầu tư là tổ chức tài chính muốn đăng ký là cổ đông chiến lược phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 5 tỷ USD (tương đương 109.500 tỷ đồng).

“Quy định này vô hình trung đã gạt bỏ cơ hội của các nhà đầu tư trong nước do hiện không có bất cứ ngân hàng thương mại tại Việt Nam nào đáp ứng được tiêu chí về vốn chủ sở hữu mà Bộ GTVT đề ra”, ông Hà cho biết.

Đây cũng là lý do mà BIDV muốn Bộ GTVT xem xét hạ tiêu chí lựa chọn để các nhà đầu tư trong nước có thể tham gia đồng hành cùng ACV trên vai trò là cổ đông chiến lược với quy mô nắm giữ khoảng 5% vốn điều lệ.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Bộ GTVT đang xem xét các khả năng để thỏa mãn đề xuất của BIDV, nhưng rõ ràng, áp lực hạ tiêu chí lựa chọn đối với Bộ GTVT là không lớn do danh sách các nhà đầu tư nước ngoài lớn và chuyên nghiệp muốn nắm 20% cổ phần bán chiến lược của ACV tiếp tục dài ra sau mỗi tuần.

Sau tập đoàn khai thác cảng hàng không lớn nhất châu Âu là Aeroport de Paris, cuối tuần trước, hai nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản là Taisei và JATCO đã trực tiếp gặp Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng bày tỏ nguyện vọng trở thành cổ đông chiến lược của ACV.

Nếu như Taisei là một trong 5 tập đoàn xây dựng lớn nhất Nhật Bản có tổng doanh thu năm 2014 đạt 17,5 tỷ USD, thì JATCO lại là đơn vị vận hành khai thác Sân bay Hadena lớn bậc nhất Tokyo. Khi 2 đơn vị này hợp tác với nhau, đây sẽ là một tổ hợp rất đáng gờm đủ sức cạnh tranh với Aeroport de Paris - đơn vị đang trực tiếp vận hành 37 cảng hàng không trên toàn thế giới thông qua công ty con là Công ty Quản lý Airports de Paris (ADPM), trong đó có những cảng hàng không lớn nhất châu Âu như: Paris - Charles de Gaulle và Paris - Orly.

Theo quy định của Bộ GTVT, trong trường hợp nhà đầu tư là tổ hợp (tối đa là 3 tổ chức), điều kiện để lọt qua vòng sơ tuyển của ACV là phải có ít nhất một tổ chức là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý khai thác cảng hàng không. “Chúng tôi không chọn cho đủ lệ bộ, mà các đối tác chiến lược phải có đủ sức nâng tầm quản lý cũng như năng lực tài chính cho ACV”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

(Theo Báo Đầu tư)