Theo điều tra ban đầu, do ghen tuông, chị Nguyễn Thị D.Ph. (23 tuổi) và mẹ chồng là bà Đặng Thị T.N (44 tuổi, cùng ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) tìm chị Đ.T.M.D (28 tuổi, ở phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) để đánh ghen.
Chị Ph. cho rằng, chị D. có quan hệ tình cảm với chồng mình là anh N.V.H (24 tuổi).
Đến 8h15 ngày 26/1, chị Ph. và mẹ chồng phát hiện anh H. đang cõng chị D. trên lưng đi ra từ quán karaoke Quang Vinh (thuộc khối phố Mỹ Hoà, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) nên đến đánh ghen.
Chị Ph. dùng xăng chứa trong chai 1,5 lít tưới vào người chị D. rồi bật lửa đốt. Người dân phát hiện đã đến dập lửa sau đó 20 giây.
Sau vụ việc, chị D. được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bình An (thị trấn Nam Phước), sau đó chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng và được xác định bị bỏng 35%, phải thở khí quản.
Ngày 31/1, trao đổi với P.V VietNamNet, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thông tin, những vụ án mạng vì mâu thuẫn tình cảm cho thấy tính chất côn đồ hoặc động cơ đê hèn do ghen tuông mù quáng đã khiến nhiều người xem thường mạng sống của người khác.
“Qua clip cho thấy hành vi tưới xăng đốt người giữa đường thể hiện thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác nên những người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người theo Điều 123 bộ luật hình sự với hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình”, luật sư Cường phân tích.
Theo vị luật sư này, vụ việc con dâu và mẹ chồng đi đánh ghen là câu chuyện rất hiếm gặp. Việc hai người này đã chuẩn bị sẵn xăng và bật lửa để đốt chưa từng xảy ra. Trong trường hợp này, hai người đã đủ năng lực có khả năng nhận thức hành vi nguy hiểm của mình.
Một người bình thường sẽ nhận thức được rằng xăng là chất cháy nguy hiểm, khi đã bắt lửa thì rất khó dập tắt và khi một người bị đổ xăng vào người, bị châm lửa thì rất khó bảo toàn tính mạng. Bởi vậy, vì bất kỳ lý do gì thì hành vi đổ xăng vào người khác để đốt lửa đều được xác định là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến tính mạng của người khác.
Luật sư Cường chia sẻ, theo thông tin ban đầu thì nguyên nhân sự việc là mâu thuẫn do ghen tuông. Dù sự việc có đúng là do ngoại tình, vì ghen tuông thì pháp luật cũng không cho phép dùng xăng để đánh ghen như vậy. Bà N. và chị Ph. dùng xăng đốt chị D., đây là những dấu hiệu của tội giết người được quy định tại Điều 123 bộ luật hình sự.
Người thực hiện hành vi giết người bằng hình thức đổ xăng đốt trong những tình huống như vậy có thể sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như hành vi có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn, sử dụng phương tiện có thể làm chết nhiều người...
“Nếu trường hợp nạn nhân không qua khỏi, nghi phạm có thể đối mặt với khung hình cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Còn với trường hợp nạn nhân được cứu sống, hình phạt có thể đến 20 năm tù”, luật sư Cường giải thích.
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp thông tin thêm, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội giết người để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên liên quan, xác định hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.