- Đầu năm 2014 mẹ em và dượng kế ly hôn. Mẹ em có yêu cầu dượng cấp dưỡng cho đứa con chung 13 tuổi. Khi ly hôn đã có quyết định của tòa án là mỗi tháng mẹ em được nhận 500.000đ tiền cấp dưỡng. Nhưng tháng 6-2015 mẹ của em qua đời, kể từ đó dượng kế không cấp dưỡng nữa và mỗi lần đến nhận tiền cấp dưỡng thì bị dượng và vợ dượng mắng chửi thậm tệ hai anh em. Họ nói là không phải con ruột nên không cấp dưỡng, nhưng em yêu cầu làm xét nghiệm ADN thì không đồng ý. Em là sinh viên mới ra trường, công việc chưa ổn định. Em của em còn nhỏ phải nghỉ học sau khi mẹ mất. Cuộc sống có anh em rất vất vả. Vì vậy em đã lên phòng thi hành án thành phố làm đơn yêu cầu cấp dưỡng. Nhưng hơn 5 tháng nay đội thi hành án và chấp hành viên lần lượt hẹn với em rồi kêu em về khiến em không biết làm sao. Dượng em hiện đang công tác tại hải quan Mỹ Thới - An Giang. Là cán bộ nhà nước mà tại sao việc thi hành án sao lại lâu như vậy? Trường hợp nếu đội thi hành án và chấp hành viên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì em cần phải làm gì? Rất mong luật sư tư vấn giúp đỡ em.
TIN BÀI KHÁC
Em thật sự không hiểu tại sao dượng lại đối xử với con đẻ của mình như vậy (Ảnh minh họa) |
Nội dung bạn đọc Dương Minh Hiếu, 24/13 Đông Thạnh A, Mỹ Thạnh, Long Xuyên, An Giang hỏi, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:
Thứ nhất: Về nghĩa vụ cấp dưỡng.
Luật Hôn nhân gia đình 2014, Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.
Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Căn cứ theo quy định trên khi mẹ bạn mất, bạn là người giám hộ của em bạn và có quyền đề nghị cấp dưỡng. Nếu bố bạn có thu nhập và khả năng thực tế để cấp dưỡng thì có trách nhiệm cấp dưỡng cho em bạn. Trường hợp bố bạn cố tình trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, bạn “có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”, theo quy định tại khoản 1 Điều 119.
Thứ hai: Thủ tục đề nghị thi hành án cấp dưỡng.
Khi ly hôn tòa án đã giải quyết việc nuôi con, cấp dưỡng nuôi con và quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người phải thi hành án vẫn không tự nguyện thi hành án (cấp dưỡng nuôi con) thì do mẹ bạn đã mất nên bạn với tư cách người giám hộ có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án đối với bản án, quyết định của tòa án.
Đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau đây: Tên, địa chỉ của người yêu cầu; Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu; Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;Nội dung yêu cầu thi hành án; Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có; Ngày, tháng, năm làm đơn; Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan. (Điều 31 Luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014).
Để khiếu nại về thi hành án bạn có thể làm đơn yêu cầu giải quyết tới Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự để xử lý giải quyết thi hành án theo điều 140 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi 2014.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc