Trưa những ngày đầu năm, Sài Gòn nắng như đổ lửa. Tranh thủ giờ nghỉ trưa anh Quách Hữu Thìn (tên gọi khác là Nguyễn Thắng), đang làm việc tại huyện Hóc Môn, TP.HCM gọi điện về quê hỏi thăm mẹ - bà Hồ Thị Hoa (hiện 50 tuổi) vừa trở về sau 20 năm bị bán qua Trung Quốc.
Nghe giọng mẹ qua điện thoại, anh Thìn không giấu được niềm vui, dặn bà giữ ấm, gắng ăn uống vài hôm nữa anh sẽ đưa vợ con về thăm.
Đầu dây bên kia, bà Hoa nói với con trai: “Mẹ sợ, đừng bắt mẹ đi”. Nước mắt người con 32 tuổi rơm rớm vì thương mẹ cả cuộc đời phải chịu bao đắng cay.
Hình ảnh và thông tin về bà Hoa được đăng tải trên mạng xã hội. Ảnh: Trần Hải. |
Bà Hoa sinh ra trong gia đình khó khăn, bố mẹ mất sớm ở xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Năm 1998, bà và chồng ly hôn.
Một mình bà nuôi hai con trai bằng nghề làm bánh không đủ sống, nghe một người nói qua Trung Quốc làm việc sẽ có thu nhập cao, công việc nhàn, bà Hoa viết thư nhờ người thân ở nhà nuôi hai con giúp rồi lên đường, với suy nghĩ, làm vài năm rồi về đoàn tụ với các con.
Ngày mẹ đi, anh Thìn 13 tuổi, em trai 11 tuổi. Do bố có vợ mới nên hai năm đầu, anh em Thìn phải tự nuôi nhau bằng nghề đi nhặt ve chai. “Tôi học buổi sáng thì đi nhặt buổi chiều. Em tôi học chiều thì đi nhặt ban sáng”, anh Thìn kể. Sau đó, anh em họ được bố đón về ở cùng.
Dù thế, nỗi nhớ mẹ không bao giờ nguôi. “Lúc đó, anh em tôi chỉ nghĩ mẹ đi làm xa vài năm rồi về. Hai đứa bảo nhau phải ngoan, thương yêu nhau và học chăm cho mẹ vui”, Thìn nhớ về quá khứ.
Chờ một tháng, hai tháng đến mấy năm sau chẳng thấy mẹ gửi thư hay gọi về hỏi thăm, anh Thìn cùng các cậu, các dì nghĩ, bà Hoa đã mất tích nên đi khắp nơi tìm. Họ nhờ các chương trình truyền hình tìm kiếm giúp, thậm chí cả đi xem bói nhưng tất cả đều vô vọng. Quá trình đó, gia đình anh 10 lần nhận tin báo có người giống bà Hoa, nhưng đến nơi thì không phải.
“Mỗi lần có tin báo về mẹ, anh em tôi mừng lắm, nghĩ vậy là mẹ con được gặp nhau. Nhưng đến nơi, kiểm chứng lại thì không phải, hai anh em rất thất vọng. Tôi mạnh mẽ hơn nên vẫn giữ được bình tĩnh, còn em tôi cứ khóc vì thương mẹ”, chàng trai quê Nghệ An nhớ lại.
Bà Hoa (phải) được gặp lại người thân sau 20 năm bị bán qua Trung Quốc làm vợ. Ảnh: Hữu Thìn. |
Ở xứ người, bà Hoa bị bán cho một người đàn ông lớn tuổi, ở vùng quê hẻo lánh Trung Quốc để làm vợ. Bà cố gắng chống cự bằng cách tuyệt thực, bỏ trốn nhưng không được. Bị đánh, nhớ con và phải sống trong cảnh bị “giam lỏng”, tinh thần bà ngày càng u uất.
“Tôi sinh cho người ta 5 đứa con nhưng chẳng được nuôi. Tôi sinh xong là họ bế con đi. Mấy lần được gặp con mà tôi chỉ nói được tiếng Việt”, bà Hoa kể bằng giọng sợ hãi.
Năm 2016, bà Hoa hay đau ốm, chẳng làm được việc gì nên bị chồng đuổi. Bà cho biết, lúc đó không có tiền, không nhà, không người thân lại không biết tiếng địa phương nên đi lang thang đến biên giới giáp Việt Nam, ngày đi nhặt ve chai kiếm sống, tối ngủ gầm cầu.
Một ngày giữa tháng 12/2018 bà bị ngất giữa đường do lạnh và kiệt sức. Một nhóm người Việt Nam, trong đó có chị Trần Hải, quê Tân Kỳ, Nghệ An, lấy chồng Hải Dương đang làm việc gần đó phát hiện sơ cứu, cho đồ ăn và quần áo ấm.
Sau khi nói chuyện, chị Hải biết được chuyện bà Hoa bị lừa bán lại cùng quê với mình nên đăng thông tin lên trang cá nhân, nhờ cộng động mạng xã hội tìm gia đình cho bà.
Ngày 13/12, anh Thìn lên mạng và đọc được thông tin. “Đọc thông tin và xem hình, tôi chững lại vì rất giống mẹ. Nhưng tôi không dám tin vì quá nhiều lần gặp thất vọng”, anh Thìn nghi ngờ.
Anh Thìn cho biết, tới đây sẽ cùng vợ về quê sống để được phụng dưỡng mẹ. Ảnh: Tú Anh. |
Sau khi được dì và các cậu khẳng định, hình ảnh người phụ nữ chính xác là bà Hoa, anh ngay lập tức gọi điện cho chị Hải xác minh và lên đường đến cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn gặp mẹ ngay hôm sau.
Được gặp lại người thân sau 20 năm xa cách, bà Hoa chỉ nhận ra em gái là bà Đào, còn với người khác thì dè chừng. Thấy mẹ phờ phạc, mặt hốc hác, mắt ngơ ngác nhìn mình, Thìn chỉ muốn đến ôm bà vào lòng nhưng sợ mẹ phản ứng nên chỉ dám đứng từ xa quan sát.
“Mẹ đi khi tôi còn nhỏ. Bây giờ tôi lớn nên khác. Mẹ cũng bị người ta lừa và chịu cảnh khổ cực nên rất cảnh giác”, anh Thìn nói.
Tranh thủ mấy hôm còn ở quê, Thìn nhẹ nhàng, quan tâm đến mẹ từng chút một để bà không hoảng sợ, nhưng bà Hoa vẫn cảnh giác với con. Bà cứ nhớ nhớ quên quên, cả ngày chẳng dám đi đâu vì sợ bị lừa. “Hôm em dâu tôi chở đến ủy ban làm giấy tờ mà mẹ nhất định không chịu, nói: ‘Chở tau đi rồi mang đi bán luôn à’, anh Thìn xúc động kể.
Do công việc và một phần bà Đào chỉ thân thiết với em gái nên anh Thìn tạm để mẹ sống ở nhà dì, còn mình phải vào Sài Gòn tiếp tục công việc. Hơn hai tuần qua, cứ rảnh là anh cùng vợ gọi về hỏi thăm mẹ, động viên và nhắc lại từng kỷ niệm ngày xưa cho mẹ được hồi tưởng lại ký ức.
Anh cho biết Tết này cả gia đình anh sẽ về quê đón Tết với mẹ. Vợ chồng anh cũng tính đến việc về quê sống hẳn để phụng dưỡng mẹ. “Mẹ khổ quen rồi nên về được mấy ngày lại đòi đi làm, nhưng cứ ra khỏi nhà là sợ. Bây giờ, cuộc sống hai anh em cũng khá hơn, tôi muốn quãng đời còn lại mẹ sẽ được sống thật vui, thoải mái bên con cháu”, anh Thìn nói.
Ông Đậu Viết Hiên, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân phường Hoàng Mai, cho biết, nơi đây đã tiếp nhận thông tin việc trở về từ Trung Quốc của bà Hoa. Hiện phường đã làm tạm trú cho bà và giúp bà làm lại các giấy tờ tùy thân. Sắp tới, phường sẽ đến động viên, hỗ trợ để bà được vui đón Tết bên gia đình sau thời gian dài xa cách.
Những cuộc đời bị bán sang bên kia biên giới
Cuộc giải cứu đẫm máu và nước mắt theo lời kể của người cha như thước phim hành động quay chậm, cứa vào tim gan chúng tôi...
Tú Anh