Chỉ với duy nhất một bức ảnh chụp bên người mẹ mặc áo tốt nghiệp, trên tay là tấm bằng THPT của con trai, video của Mua Mí Páo (SN 2006, quê ở Yên Minh, Hà Giang) vẫn thu hút gần 2 triệu lượt xem, hàng nghìn lượt “thả tim”.

ky yeu 1.jpg
Hình ảnh mẹ chụp ảnh kỷ yếu cùng con trai thu hút sự quan tâm của dân mạng

Hình ảnh nam sinh nở nụ cười tươi rói bên người mẹ già có gương mặt hiền lành, lam lũ khiến nhiều người cảm động. Đáng chú ý hơn cả là khoảng cách 48 tuổi của hai mẹ con: Mẹ sinh năm 1958, con sinh năm 2006. 

Dân mạng để lại nhiều bình luận xúc động về bức ảnh đặc biệt: “Mang thai, sinh nở ở tuổi 48 vừa nguy hiểm, vừa vất vả. Vậy mà mẹ vẫn cố gắng sinh ra em, nuôi em khôn lớn. Ráng học giỏi, thành công mai này báo hiếu mẹ em nhé”;

“Để mẹ mặc tấm áo tốt nghiệp thay cho lời cảm ơn công lao sinh thành, dưỡng dục. Em ấy rất tinh tế, hiếu thảo”, “Nhìn người mẹ phúc hậu quá. Chúc em sớm thành công để phụng dưỡng mẹ”...

Mua Mí Páo bất ngờ khi hình ảnh chụp bên mẹ được dân mạng dành cho sự quan tâm đặc biệt. 

Páo kể, vào dịp lớp cấp 3 chụp ảnh kỷ yếu, anh đã mời bố mẹ đến chụp cùng. Để bố mẹ mặc áo tốt nghiệp, là cách Páo gửi lời cảm ơn đến đấng sinh thành đã cho cậu được thực hiện giấc mơ đến trường tìm con chữ. 

kỷ yếu 2.jpg
Páo chụp ảnh kỷ niệm cùng người bố 63 tuổi

Páo là con trai út trong một gia đình có 8 chị em (1 gái, 7 trai). Mẹ anh là bà Sinh Thị Mỷ (SN 1958), bố anh là ông Mua Sè Tỏa (SN 1961, dân tộc Mông). 

“Có lần mình hỏi mẹ 'Sao mẹ sinh con muộn thế?'. Mẹ bảo: 'Mẹ mang thai mày là phải sinh ra mày, không được bỏ'. Mình luôn biết ơn bố mẹ đã cho mình cuộc đời này”, Páo chia sẻ.

Tuổi thơ của Páo gắn liền với những lần theo mẹ lên nương làm rẫy, cùng các anh chị giúp bố mẹ làm việc đồng, việc nhà, cả gia đình quây quần bên mâm cơm đạm bạc, mèn mén nhiều hơn cơm trắng.

Nhà của Páo trước đây được làm bằng đất, gỗ và tre. Căn nhà nhỏ hẹp, mỗi lần mưa xuống là nhớp nháp bùn đất. Cách đây vài năm, bố mẹ Páo mới xây được căn nhà mới vững chãi, sạch sẽ hơn.

Hiện tại, 6 anh chị đầu của Páo đã lập gia đình, hiện ở quê làm nương rẫy. Người anh thứ 7 của Páo đã tốt nghiệp cấp 3, đang tìm việc làm. Páo là người con duy nhất trong nhà sau khi tốt nghiệp THPT được đi học tiếp.

kỷ yếu 4.jpg
Căn nhà cũ lụp xụp, nơi Páo sinh ra và lớn lên

Năm lớp 9, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Páo từng muốn nghỉ học, cùng các anh chị lên nương giúp bố mẹ. Thế nhưng, mẹ hết lời khuyên nhủ, động viên Páo đi học.

Nhờ có cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Hương hỗ trợ làm hồ sơ, Páo được theo học trường THPT Yên Minh, Hà Giang. 

Thuở mới nhập học, Páo xin được làm thêm tại một quán ăn gần trường, ngày đi học, tối đi làm. Cậu vừa có chỗ ăn ở miễn phí, vừa kiếm được tiền lo cho bản thân. 

Giai đoạn không làm thêm ở quán ăn nữa, Páo ngày ngày đi bộ 8 cây số đến trường. Páo nói, chỉ cần được đi học, đường xa đến mấy cũng không quản ngại.

Tốt nghiệp cấp 3, Páo trúng tuyển vào trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ theo diện xét học bạ. “Mình rất vui khi được đi học tiếp. Ước mơ của mình là mai này có điều kiện mở tiệm thuốc ở quê”, Páo chia sẻ.

Trước đó, Páo tranh thủ mấy tháng nghỉ hè, theo một người anh xuống Hà Nội làm thêm ở xưởng sản xuất bánh mỳ.

Khoản tiền kiếm được, cậu mua một chiếc xe máy cũ phục vụ việc đi học. Páo dự định, sắp tới việc nhập học ổn định, cậu sẽ xin việc làm thêm, tự kiếm tiền trang trải phí sinh hoạt và đóng học phí.

“Bố mẹ không chu cấp được nhiều, nhưng vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần cho mình. Từ lúc mình đi học xa nhà, ngày nào bố mẹ cũng gọi điện hỏi thăm. Bố mẹ không nói được lời hoa mỹ nhưng mình biết, bố mẹ thương mình rất nhiều”, Páo tâm sự.

Chàng trai Hà Giang hy vọng, ngày tốt nghiệp trường cao đẳng sẽ một lần nữa được đón bố mẹ đến trường, khoác lên người bố mẹ tấm áo tốt nghiệp, để họ được tự hào về cậu con trai út giỏi giang, trưởng thành.

Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thị Thu Hương (giáo viên chủ nhiệm của Páo tại trường THPT Yên Minh, Hà Giang) cho hay, Páo là học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, hiền lành.

“3 năm cấp ba, Páo giữ chức vụ lớp phó học tập. Em rất có trách nhiệm với bản thân và tập thể. Dù đi bộ 8 cây số đến trường nhưng em luôn có mặt đúng giờ, chưa tưng đến muộn. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đó là là động lực để em cố gắng trong học tập”, cô Hương chia sẻ.